|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nguồn nhân lực ở Lệ Thủy: Chặng đường còn gian nan

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (NNL) trên địa bàn, thời gian qua, huyện Lệ Thủy tích cực triển khai, cụ thể hóa Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển NNL và nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là Kế hoạch 463). Những kết quả bước đầu trong thực hiện kế hoạch đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm ở địa phương. Tuy nhiên, chặng đường để huyện đạt mục tiêu đề ra vẫn còn dài và lắm gian nan.

Chuyển biến tích cực
 
Xác định phát triển NNL là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, huyện Lệ Thủy đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng NNL và xem đây là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 463, huyện đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện; đưa các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hầu hết các hoạt động của kế hoạch đều được các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện tích cực triển khai với nhiều cách làm mới, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo, phát triển NNL. 
 
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 243/KH-UBND về việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch số 370/KH-UBND về việc giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn huyện năm 2023; Kế hoạch số 1033/KH-UBND về việc đào tạo nghề, phát triển NNL huyện năm 2023; công văn về việc thực hiện công tác phân luồng học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp…

Đào tạo nghề giúp người dân áp dụng vào thực tế lao động, sản xuất.

Đào tạo nghề giúp người dân áp dụng vào thực tế lao động, sản xuất.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, huyện tăng cường công tác giáo dục, tư vấn nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng NNL, nhất là NNL chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
 
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, sát đúng nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với thế mạnh của địa phương, hàng năm, UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát thực trạng lao động, việc làm tại các địa phương và thực trạng sử dụng lao động, nhu cầu NNL theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động để định hướng nghề, hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
 
Nhờ đó, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn đã được tham gia học nghề, tạo việc làm, đặc biệt là đối với những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số. Các lớp học nghề đã giúp NLĐ từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp nhận việc triển khai các mô hình, đề án phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Năm 2023, toàn huyện đã tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề cho 405 người từ nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch 463 và nguồn kinh phí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đây là minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng trong việc nâng cao chất lượng NNL của các cấp, ngành trên địa bàn, cũng là tiền đề để huyện tiếp tục nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch 463 trong thời gian tới.
 
Gian nan vẫn còn phía trước
 
Không thể phủ nhận, những kết quả trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch 463 đã góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng NNL ở huyện Lệ Thủy. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc quá trình triển khai thực hiện kế hoạch của địa phương không gặp khó khăn, trở ngại cũng như chặng đường phía trước không có những “chướng ngại vật” phải vượt qua.
 
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch 463 năm 2023 của UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà địa phương đang gặp phải, như: Chất lượng NNL còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động có tay nghề, nhất là lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực du lịch, kỹ thuật, xây dựng; hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực, gắn kết đào tạo với thị trường lao động còn hạn chế, thiếu nguồn lực, chất lượng chưa cao; NLĐ chưa nhận thức đầy đủ được vai trò của học nghề để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống; một công chức phải đảm nhận nhiều công việc nên công tác theo dõi liên quan đến lĩnh vực phụ trách chưa thường xuyên…
 
Cùng với những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang gặp phải không ít rào cản. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Nguyễn Thị Thúy Uyên cho biết: Việc tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm còn chưa thường xuyên, hình thức chưa phong phú. Số lượng tuyển sinh trong độ tuổi tham gia học nghề theo quy định còn ít và chủ yếu là những người lớn tuổi nên dẫn đến kết quả công tác tuyển sinh, đào tạo còn thấp.
 
Việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn chưa thực sự gắn kết với nhu cầu tuyển dụng, chủ yếu được dạy lưu động tại các xã, người học sau khi tốt nghiệp chủ yếu tự tạo việc làm ở gia đình hoặc chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương, mức thu nhập không cao nên thiếu tính bền vững. Trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên việc liên kết, tìm đầu ra cho học viên sau tốt nghiệp cũng như công tác phối hợp để học viên thực tập tại doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo còn gặp nhiều khó khăn...
 
“Trước những thách thức không nhỏ ấy, huyện xác định, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để giải quyết việc làm cho NLĐ; thúc đẩy sự phát triển tích cực của thị trường lao động nhằm kết nối cung-cầu lao động để sử dụng hiệu quả NNL; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phát triển NNL tại các xã, thị trấn trên địa bàn, đồng thời tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến các nội dung phát triển NNL; chú trọng những nghề phát huy được thế mạnh của địa phương hoặc những ngành nghề NLĐ có thể chuyển đổi phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, trong đó tập trung liên kết với các công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn để tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động.
 
Các địa phương, đơn vị cần rà soát nhu cầu lao động đi làm việc trong nước và ở nước ngoài, tập trung ở lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động có chuyên môn kỹ thuật chưa có việc làm, bộ đội xuất ngũ, NLĐ hộ nghèo, cận nghèo… để tư vấn giới thiệu tham gia đi làm việc trong nước và chương trình xuất khẩu lao động của tỉnh...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thị Hồng Thắm chia sẻ
Tâm An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết