Phong Thổ: Đạt nhiều kết quả mới trong lĩnh vực nông nghiệp
Sáng 31/3, Đoàn công tác UBND tỉnh Lai Châu làm việc với huyện Phong Thổ về công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, chính sách phát triển rừng bền vững…
Nhiều kết quả mới trong lĩnh vực nông nghiệp
Theo đó, kết thúc năm 2022, toàn huyện Phong Thổ có 4 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bình quân chung đạt 9,94 tiêu chí/xã; phấn đấu năm 2023 có 3 xã đạt 10 - 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao đạt gần 71%. Huyện đã chỉ đạo đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ nguồn vốn nông thôn mới đối với các công trình được phép kéo dài.
Đối với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu đang được huyện Phong Thổ tích cực triển khai thực hiện.
Đến nay toàn huyện đã trồng mới được gần 256 ha cây mắc ca, nâng tổng diện tích cây mắc ca toàn huyện là 432,5 ha; trồng mới 389,6 ha cây chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện là 688,7 ha; chăm sóc khai thác diện tích cao su hiện có với trên 1.365 ha, đưa vào khai thác 1.179 ha, sản lượng mủ cao su đạt 1.485 ha.
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản như: Hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích trên 193 ha, sản lượng đạt 1.100 tấn; phát triển trồng mới 17.984 chậu hoa địa lan; nuôi cá nước lạnh; trồng mới 93,5 ha cây ăn quả với các loại như chanh leo, xoài, nhãn…
Đối với nội dung triển khai đề án phát triển rừng bền vững, huyện đã tập trung quản lý, bảo vệ tốt trên 46.242 ha rừng hiện có; thực hiện trồng mới 321.29 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 44,21%. Năm 2023, kế hoạch trồng mới 10 ha rừng phòng hộ, 50 ha cây gỗ lớn, 240 ha cây quế…
Việc triển khai Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung cũng đã được huyện Phong Thổ tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, đã tổ chức khảo sát, phê duyệt báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật và Hợp đồng thi công xây dựng để đảm bảo mục tiêu mở mới, nâng cấp đường trục chính 4.231 km/5,5 km vùng lúa; 18 km vùng chè.
Mở mới 23,509 km đường nhánh vùng chè; đầu tư hệ thống đường giao thông nội đồng trục chính các vùng dự án trồng cây mắc ca, cây ăn quả, quế, cây lâm nghiệp; mở mới 25km đường trục chính vùng cây ăn quả và vùng sản xuất tập trung liên kết. Đầu tư kiên cố hóa được 2 đập đầu mối và gần 2km kênh mương đáp ứng nhu cầu nước tưới chủ động cho diện tích lúa tập trung.
Hiện huyện Phong Thổ cũng đã thực hiện kêu gọi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trồng mới 100 ha cây mắc ca; đồng thời đang khảo sát thực hiện xây dựng mới 6 km đường vùng trồng mắc ca tại thị trấn Phong Thổ. Đã phê duyệt dự án và ký hợp đồng để triển khai thi công các công trình để đầu tư mới 16,5 km, nâng cấp trục đường chính và mở mới 14,5 km đường nhánh vùng chè…
Giải pháp phát triển ngành nông nghiệp huyện Phong Thổ
Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và huyện Phong Thổ tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, chính sách phát triển rừng bền vững, Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung trên địa bàn huyện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, chính sách phát triển rừng bền vững, Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung trên địa bàn huyện, nhất là trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí đề nghị huyện Phong thổ cần tiếp tục linh hoạt trong việc áp dụng các quy định chung về sử dụng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các dự án, lồng ghép các dự án để đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, quy hoạch nông thôn mới phải tích hợp quy hoạch hạ tầng, quy hoạch cư dân và quy hoạch tổ chức sản xuất. Huyện thành lập tổ chuyên môn để giúp đỡ các xã, đánh giá hiện trạng, nhận định tiềm năng, lợi thế, xã có vai trò kết nối với người dân.
Cần rà soát đánh giá lại những cây trồng nằm trong các sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện, xây dựng kế hoạch chi tiết để trồng dặm lại. Quan tâm đến bảo vệ, phát triển rừng; chuẩn bị tốt các điều kiện cho trồng rừng mới.
Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần rà soát lại, xây dựng lộ trình; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống thiên tai...