Phú Lương phát huy thế mạnh nông lâm nghiệp
Huyện miền núi Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có hơn 29.600 ha đất nông nghiệp, trong đó địa hình đồi núi thấp chiếm khoảng 60% diện tích cùng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển cây chè. Phát huy lợi thế này, đến nay, huyện đã phát triển được hơn 4.100 ha chè, trở thành địa phương có diện tích chè lớn thứ hai toàn tỉnh, với sản lượng bình quân đạt trên 45.000 tấn/năm, doanh thu bình quân ước đạt từ 310 - 330 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất đạt trên 1.300 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần so với giá trị sản xuất lúa gạo trên địa bàn.
Nông dân xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên thu hái chè. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Xác định cây chè là cây trồng cây trồng chủ lực, hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn tại 4 xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc, Phú Đô. Tại các vùng chè sản xuất tập trung, diện tích chè giống mới chất lượng cao như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc... chiếm khoảng 70% diện tích. Nguồn nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công, truyền thống của người dân bản địa trong chế biến tạo nên hương vị đặc trưng của chè Phú Lương, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Việc phát triển cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân hàng năm khoảng 1,19%, hiện còn khoảng 1,5%. Dự kiến đến hết năm 2023, 13/13 xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Để nâng cao giá trị cây chè, huyện đã vận động, hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, mở rộng diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP lên hơn 1.100 ha, cấp mã vùng trồng cho gần 70 ha, phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Tức Tranh quy mô 90 ha. Trong chế biến chè, cùng với việc đầu tư xây dựng các khu chế biến khép kín với máy móc, thiết bị hiện đại như: kho bảo quản lạnh, máy sao chè bằng gas, máy vò chè inox... các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè ở Phú Lương đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm từ chè như: bột chè, kẹo chè, chè túi lọc.
Đến nay, toàn huyện Phú Lương có 27 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè và 230 hộ sản xuất chè quy mô lớn, sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Huyện duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Lương, nhãn hiệu tập thể "Chè Vô Tranh", "Chè Tức Tranh". Đối với việc tiêu thụ sản phẩm chè, thông qua các kênh tiêu thụ, bình quân mỗi tháng Phú Lương đưa ra thị trường khoảng 700 tấn chè búp khô. Toàn huyện đã có 12 sản phẩm chè được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ với số lượng lớn trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, một số sản phẩm chè đặc sản của Hợp tác xã chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu và tiêu thụ với số lượng lớn...
Cùng với phát triển cây chè, Phú Lương đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, gắn với bảo vệ môi trường, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 5,26%/năm. Hiện, toàn huyện đã có 170 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó, Phú Lương tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,48%/năm, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 600 ha rừng, sản lượng gỗ khai thác trung bình khoảng 42.600 m3/năm. Huyện tích cực triển khai Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện giai đoạn 2021 - 2025, phát triển được 44 làng nghề, thực hiện quy hoạch hai cụm công nghiệp, tạo động lực để phát triển nông lâm nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm sản...
Theo ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy, Phú Lương đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024 và xã Tức Tranh trở thành xã điểm của Trung ương đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh trong năm 2024. Huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% xã có sản phẩm OCOP, tiếp tục mở rộng diện tích chè đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và các GAP khác, quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, có định hướng xuất khẩu. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân xây dựng các khu sản xuất, chế biến chè quy mô lớn, thiết bị đồng bộ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, chế biến chè gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thúc đẩy các ngành công nghiệp có thế mạnh như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ.
Hoàng Thảo Nguyên