Phụ nữ vùng cao khởi nghiệp từ giống lúa nếp quý bản địa
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển thành vùng sản xuất tập trung, giống lúa nếp bản địa Khoái Đen thuộc xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) không những được bảo tồn mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở địa phương. Đây là mô hình “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đoan Hùng phối hợp triển khai trên địa bàn.
Giống lúa nếp bản địa Khoái Đen có từ lâu đời. Trước đây, do chưa có sự đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật, người dân gieo cấy manh mún, cấy lúa không tập trung. Khi đến thời điểm thu hoạch, thân cây cao dễ bị đổ do mưa bão, cộng thêm giống lúa chín muộn hơn so với lúa khác dễ bị sâu bệnh, năng suất không cao. Do vậy, việc mở rộng sản xuất là rất khó khăn.
Theo bà Lê Thị Việt Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đoan Hùng, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”( Đề án 939), Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng mô hình Trình diễn thâm canh lúa nếp Khoái Đen trên diện tích 5 ha tại khu Đoàn Kết (Vĩnh Lại, xã Hùng Xuyên) và được UBND huyện hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc với nguồn kinh phí trên 60 triệu đồng.
Nhờ tuân thủ kỹ thuật, tích cực bám sát đồng ruộng, sau 5 tháng triển khai (từ tháng 6 đến tháng 10/2023), giống lúa này sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao từ 1,5 - 1,7m, khả năng đẻ nhánh khỏe, trỗ bông trong điều kiện ánh sáng ngày ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là giống lúa dài ngày, ưa những chân ruộng trũng, nhiều nước, có thể chịu ngập từ 1 đến 2 ngày. Dự kiến, năng xuất vụ này có thể 180kg/sào, sau khi trừ chi phí vẫn đạt gần 57,4 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trước đây.
Lúa nếp Khoái Đen bông to dài, chất lượng gạo thơm ngon, mềm, dẻo, vị đậm, có hương thơm đặc trưng. Giống nếp này khi chín, vỏ hạt ngả màu cau khô, hơi đen, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục, có thể nấu xôi, gói bánh chưng, nấu rượu... đem lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, loại gạo nếp Khoái Đen thương phẩm trên thị trường có giá khoảng 45.000đ/kg.
Theo ông Lê Văn Phượng, Bí thư Huyện ủy, từ thành công của mô hình, thời gian tới, huyện Đoan Hùng sẽ có kế hoạch mở rộng diện tích giống lúa này trong những vụ tiếp theo nhằm xây dựng đặc sản của địa phương và chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông dân. Đồng thời, huyện khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nếp Khoái Đen là sản phẩm OCOP 3 sao.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đoan Hùng sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông dân; kết nối, trưng bày, quảng bá nếp Khoái Đen tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan.
Đào An