Phú Thọ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại diện tử
Để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt hiệu quả, tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Việc đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sản thương mại điện tử đã giúp cho các nông sản của Phú Thọ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Hiệu quả từ kênh quảng bá trên sàn chợ “ảo”
Năm 2018, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ với tên miền giaothuong.net.vn đi vào hoạt động. Đến nay, đã có hơn 300 gian hàng với 950 sản phẩm dịch vụ với trên 5,55 triệu lượt truy cập, tìm hiểu, mua bán. Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn hầu hết đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: Bưởi Đoan Hùng, cam lòng vàng, chè xanh, mì gạo Hùng Lô, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, thịt chua, tương, nón lá... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sàn giao dịch thương mại điện tử Phú Thọ đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia.
Bà Hà Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thịt chua Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn cho biết, năm 2020, hợp tác xã Thịt chua Thanh Sơn đã đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Hơn 2 năm áp dụng phương thức bán hàng hiện đại, lượng khách mua hàng qua phương thức này ngày càng tăng. Dự kiến năm nay, hợp tác xã sẽ bán ra hơn 30.000 sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, chiếm trên 30% tổng lượng hàng bán ra; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến thông qua thương mại điện tử để tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới.
Còn theo anh Cao Đăng Duy, Giám đốc Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, nếu như trước đây, sản phẩm mỳ gạo được bày bán chủ yếu ở các chợ truyền thống, cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm nông sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin, giá cả, mẫu mã và chất lượng sản phẩm thông qua những “cú click” đơn giản trên Sàn giao dịch thương mại điện tử với tên miền là giaothuong.net.vn và đặt mua dễ dàng.
“Thời gian qua, đặc biệt là thời gian dịch bệnh COVID-19 lan rộng thì sàn giao dịch thương mại điện tử đã là một trong những kênh bán hàng hiệu quả của hợp tác xã, đã có 30% sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử mỗi năm. Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người mua…", anh Duy cho biết thêm.
Năm 2022, các cấp, ngành tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm. Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng thương mại điện tử...
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng, website bán hàng, 50% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử và 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến...
Để đạt được mục tiêu trên, Phú Thọ đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đội ngũ doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hình thức. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn sâu về thương mại điện tử, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao hoạt động về thương mại điện tử tại các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến; sử dụng email riêng; chữ ký số; hóa đơn điện tử; tem điện tử; mã QR… nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Anh Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác Sản xuất và chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) cho hay, nhận thức của hội viên hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày càng nâng cao. Từ đó, chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường.
Với sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, thông qua kênh bán hàng, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart, sản phẩm chè Đá Hen không những có mặt trên thị trường trong nước mà còn nhận được sự quan tâm đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan…
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch 3423/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; trong đó, xác định thương mại điện tử là giải pháp giúp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; các gian hàng trên sàn Postmart, Voso; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ (giaothuong.net.vn)…
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ triển khai mô hình "Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử" tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Từ đó, chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các đơn vị đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, ngành nông nghiệp Phú Thọ đã hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia, duy trì hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng "Agritech - Chuỗi nông nghiệp số" cho thiết bị di động với các tính năng tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản.
Mặt khác, xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh trên internet nhằm phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả (mỗi năm dự kiến hỗ trợ xây dựng 6-8 bộ giải pháp); hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ; xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics; hỗ trợ tích hợp giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử trên trang website của doanh nghiệp, hợp tác xã (mỗi năm dự kiến hỗ trợ 10 đơn vị)…
Đồng thời, duy trì, vận hành, nâng cấp và bổ sung tính năng hoạt động cho sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn giúp sàn hoạt động tốt, ổn định đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng…
Toàn Đức