Quảng Bình: Làm lúa chất lượng cao tuy cực nhưng lãi cao
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và xuất khẩu, vụ lúa đông-xuân 2021-2022, một số địa phương đã tổ chức mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và đưa một số giống lúa mới vào trồng khảo nghiệm nhằm hướng đến sản xuất lúa gạo sạch, thân thiện với môi trường.
Tại huyện Lệ Thủy, vụ đông-xuân 2021-2022, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình phối hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 500ha tại các xã Lộc Thủy, Sơn Thủy… Mô hình sử dụng giống lúa QS88, là giống lúa có khả năng chống chịu rét, ít đổ, ngã và ít bị sâu bệnh gây hại. Giống lúa QS88 có chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có mùa thơm.
Ông Đặng Ngọc Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tuy Lộc, xã Lộc Thủy cho biết: “Về sâu bệnh, ở giống lúa này chưa thể hiện rõ. Nhờ đó, cũng giảm chi phí trong đầu tư cho phòng trừ sâu bệnh. Đây cũng là tiền đề cho phát triển sau này. Về vấn đề sản xuất chuỗi giá trị, đây là bước khởi đầu cho việc phối hợp lấy HTX làm trung gian giữa người nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại lợi ích cho xã viên.”
Thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm trên giống lúa mới QS88, ngoài cung ứng giống, phân bón, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con canh tác theo phương pháp hữu cơ. Sau khi thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi ngay tại ruộng.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty cho biết: "Bà con nông dân chỉ thực hiện đúng quy trình, còn công ty đầu tư toàn bộ giống, vật tư, phân bón. Hiện tại, công ty thu mua sản phẩm cho bà con nông dân với mức cao hơn một giá so với thị trường.”
Vụ đông xuân 2021-2022, nông dân thôn Tiên Phan, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) đã phối hợp với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa-gạo hữu cơ ST25 trên diện tích 26ha. Đây là mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP. Trong vụ đông xuân 2021-2022, tại mô hình này, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất dự ước đạt 70 tạ/ha. Sau khi thu hoạch, Tổng Công ty Sông Gianh thu mua toàn bộ lúa tươi tại ruộng với mức giá khoảng 7.000 đồng/kg, cao hơn hẳn giá thị trường.
Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết: “Trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết, Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh trực tiếp phân phối phân bón, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng chuỗi liên kết với công ty đã thành công. TX. Ba Đồn sẽ làm việc với công ty để tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết và nhân rộng mô hình sản xuất này trên địa bàn thị xã.”
Ông Nguyễn Đình Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh chia sẻ: “Mục tiêu thực hiện chuỗi liên kết là nhằm góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.”
Ngoài giống lúa QS88, ST25, trong vụ đông-xuân 2021-2022 này, các địa phương trong tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp đưa một giống lúa mới vào trồng khảo nghiệm tại các chân ruộng trên địa bàn. Các mô hình khảo nghiệm bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã khuyến khích, tạo cơ chế cho doanh nghiệp và HTX liên kết với nông dân, hình thành các chuỗi giá trị lúa gạo khép kín. Qua đó gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị và nâng tầm thương hiệu sản phẩm lúa gạo Quảng Bình.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp rất quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp đưa các giống mới về để thử nghiệm trên địa bàn. Từ thử nghiệm này, chúng ta tìm ra được cơ cấu bộ giống phù hợp, vừa bảo đảm năng suất, chất lượng cao, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu để góp phần đưa lại năng suất và chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.”
Việc xây dựng thành công các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và đưa một số giống lúa mới vào trồng khảo nghiệm tại Lệ Thủy, TX. Ba Đồn và một số địa phương trong tỉnh đã mở ra hướng liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; gắn quyền lợi của nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững; bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu; góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch, từng bước xây dựng thương hiệu gạo của các địa phương trong tỉnh.