Quảng Ninh đầu tư lớn phát triển nuôi biển
Tăng cường thu hút đầu tư vào thủy sản, sản xuất theo chuỗi, chuyển đổi vật liệu nuôi trồng... là những hướng đi mới để tỉnh Quảng Ninh phát triển nuôi biển bền vững.
Còn nhiều hạn chế trong nuôi biển
Quảng Ninh sở hữu hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, có 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh… nên có những tiềm năng, lợi thế nổi bật để phát triển kinh tế thủy sản, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển).
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và quy chuẩn địa phương về phát triển kinh tế thủy sản, tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Hàng loạt chính sách, giải pháp theo hướng "tăng nuôi trồng, giảm khai thác" đã được Quảng Ninh chú trọng áp dụng như tập trung khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ; tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh… Nhờ đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định.
"Quảng Ninh nên có chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, nên mạnh dạn giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển".
Ông Lê Bền –
Phó Chủ tịch Hiệp hội biển Việt Nam
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Công tác dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu giống còn hạn chế; năng suất nuôi biển, trong đó có cá biển hiện chưa cao, mới đạt khoảng 60%; khu vực nuôi chủ yếu phát triển ở gần bờ, ven các đảo; hạ tầng vùng sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chưa đáp ứng các điều kiện…
Bên cạnh đó, theo ông Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, đội ngũ lao động tại các trang trại nuôi thủy sản của tỉnh còn thiếu và yếu, đa số chưa được đào tạo, tập huấn, chủ yếu sản xuất dựa vào kinh nghiệm. Ngoài ra, dù trường đào tạo lao động kỹ thuật thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay không thiếu, nhưng số học sinh, sinh viên theo học lại rất khiêm tốn so với các ngành nghề khác.
Chuyển dịch hướng nuôi biển bền vững
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 8.800ha, sản lượng nuôi biển đạt khoảng gần 60.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020-2025 là 8%, giá trị sản xuất theo giá cố định trên 4.600 tỷ đồng; có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, đồng thời từng bước khắc phục những hạn chế, giúp ngành nuôi biển chuyển dịch theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển.
Ông Lê Bền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Biển Việt Nam đánh giá, Quảng Ninh nằm cạnh thị trường Trung Quốc rộng lớn, vùng biển lại nằm trong vùng biển vịnh Bắc Bộ, nguồn lợi thủy sản phong phú… rất thuận lợi để phát triển ngành nuôi biển cũng như một số các lĩnh vực khác như du lịch, logistics…
Trong thời gian qua, ngành nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, quy mô hộ gia đình, ít doanh nghiệp nuôi biển theo phương thức công nghiệp. Bên cạnh đó, người dân đa phần sử dụng những vật liệu rẻ tiền, không thân thiện với môi trường (phao xốp) để nuôi trồng thủy sản trên biển. Tình trạng này có thể hiệu quả trong giai đoạn đầu, nhưng đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá về vấn đề môi trường, dịch bệnh...
"Tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận thức được điều này nên đã có những động tác rất tích cực để từng bước khắc phục hạn chế, phát triển nuôi biển bền vững như: Lựa chọn đối tượng nuôi chủ lực, thay thế các vật liệu không thân thiện với môi trường bằng vật liệu HDPE, triển khai mô hình IMTA (nuôi biển đa dưỡng tích hợp) cũng như tích hợp nuôi biển với du lịch trải nghiệm" – ông Lê Bền cho hay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Biển Việt Nam đề nghị, để phát triển nuôi biển bền vững ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cần chuyển đổi từ cách nuôi truyền thống sang cách nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ cao. Tuy nhiên, tự thân các cá thể khó tiếp cận với khoa học công nghệ cao do tiềm lực tài chính yếu.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc STP Group cho hay, STP Group đang cùng Quảng Ninh xây dựng các liên kết chuỗi trong nuôi biển, chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp, thay đổi nhận thức người nuôi trồng thủy sản, tập trung vào chuyển đổi sang vật liệu mới. STP Group đang triển khai 3 mô hình ứng dụng HDPE vào nuôi biển bền vững tại Quảng Ninh. Một trong số đó là mô hình trang trại nuôi biển kết hợp trải nghiệm du lịch tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn), do STP Group phối hợp HTX Phất Cờ xây dựng.