|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rừng mỡ ở Bắc Kạn bị sâu ong gây hại

Sau một thời gian dài tạm lắng, sâu ong lại tiếp tục gây hại trên nhiều diện tích rừng mỡ tại Bắc Kạn. Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng Bắc Kạn, hiện đã có hơn 32 ha diện tích rừng bị nhiễm sâu ong gây hại ở các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Mới, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn; trong đó, hơn 9 ha bị nhiễm nặng. Mật độ nhiễm từ 20-25 con/cây, mức cao từ 200-300 con/cây, cá biệt 500 con/cây.

Cây mỡ có tên khoa học là manglietia conifera. Cây mỡ ưa đất ẩm, khả năng chịu hạn kém. Trồng được 5-6 năm bắt đầu ra hoa kết quả. Thường gặp mỡ trong rừng thứ sinh ở Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỡ là loài cây lá rộng thường xanh, sống với các loài giổi, giẻ, trâm, ngát, gội. Cây mỡ chủ yếu dùng phủ xanh đất trống, phục hồi rừng, lấy gỗ phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp. Gỗ mỡ trắng hoặc vàng nhạt, mềm nhẹ, tỷ trọng ở độ ẩm 15% là 0,480.

Phó Chi cục trưởng Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng Bắc Kạn Hoàng Thanh Bình cho biết, diện tích rừng mỡ của tỉnh lớn, đặc biệt người dân thường có thói quen trồng rừng thuần loài. Vì vậy, sâu ong có điều kiện để lây lan với tốc độ nhanh. Trong đợt dịch này, sâu ong hại cây mỡ có lứa trưởng thành xuất hiện từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3.

Đây không phải là lần đầu tiên dịch sâu ong hại cây mỡ xuất hiện tại Bắc Kạn. Dịch từng bùng phát tại địa phương từ những năm 2010, có thời điểm lan rộng trên diện tích hàng nghìn ha, gây thiệt hại nặng cho quá trình sinh trưởng của cây.

Bắc Kạn đã nỗ lực tìm biện pháp phòng trừ sâu ong nhưng rất khó triển khai trên diện rộng. Hiệu quả nhất vẫn là "bẫy vàng” theo các độ cao từ 1-3 m và mật độ từ 200-400 bẫy/ha nhưng chi phí thực hiện bằng biện pháp này khá cao nên khó triển khai diện rộng.

Để phòng trừ sâu ong lan rộng, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng Bắc Kạn khuyến cáo người dân phát quang rừng, tỉa cành mỡ. Đối với những diện tích rừng thấp thì thực hiện biện pháp thủ công như nhặt, bắt sâu non đem tiêu hủy.

Nếu mật độ sâu cao cần tiến hành phun thuốc trừ sâu bằng máy phun điện, động cơ hoặc rắc các loại thuốc Patox 4GR, Wofadan 4RG... khi sâu chuẩn bị di chuyển theo thân cây xuống đất để hóa nhộng; không sử dụng thuốc hóa học đối với những diện tích gần khu dân cư, nguồn nước.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 40.000 ha rừng mỡ, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích rừng trồng cả tỉnh. Tuy nhiên, dịch sâu ong gây hại trong nhiều năm mà vẫn chưa có biện pháp diệt trừ hữu hiệu, đe dọa việc suy giảm diện tích tồng nên cần sớm tìm ra giải pháp kịp thời.

Mạnh Hà – Hoàng Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin