|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản phẩm OCOP Ðắk Mil chật vật với đầu ra

Việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở Đắk Mil thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Các chủ thể OCOP mong muốn sớm được các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ kết nối đầu ra, đưa sản phẩm ra thị trường tốt hơn...

Sản phẩm bơ sáp VietGAP Đắk Mil của gia đình anh Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil) đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2020. Hiện anh Hoan đang sản xuất 1,5 ha bơ xen trong rẫy cà phê, sản lượng gần 20 tấn/năm.

Sản phẩm bơ sáp VietGAP của anh được đánh giá thơm, ngon, nhiều người tiêu dùng ưa thích. Tuy nhiên, lâu nay, mỗi khi vào vụ bơ, anh Hoan gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Anh Hoan cho biết, việc tiêu thụ bơ chủ yếu qua các thương lái trong và ngoài tỉnh. Thương lái thường đánh giá chất lượng bơ OCOP không khác gì các loại bơ khác trên thị trường chính, giá cũng không cao hơn.

"Tôi thấy chưa xứng đáng với chất lượng của một sản phẩm OCOP. Việc tiêu thụ khó khăn khiến gia đình tôi dù có nhiều đất cũng không giám đầu tư, mở rộng diện tích bơ để tăng thu nhập", anh Hoan cho biết.

Tương tự, sản phẩm ca cao bột Hương Quê Đắk Nông của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil) đạt OCOP hạng 3 sao vào năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil) mong muốn sớm được hỗ trợ kết nối đầu ra để khai thác hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP

Sản phẩm được Công ty đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác một cách bài bản. Công ty đầu tư hệ thống máy móc phục vụ chế biến ca cao chất lượng cao; tạo vùng nguyên liệu lớn.

Thế nhưng, hiện nay Công ty chỉ tiêu thụ khoảng 200 kg ca cao bột mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cho biết, dù đã tham gia nhiều chương trình kết nối, trực tiếp đưa sản phẩm đi “chào hàng”, nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.

"Hệ thống máy móc đã đầu tư, vùng nguyên liệu có thể sản xuất ra từ 8 - 10 tấn ca cao bột/năm, nhưng do không kết nối được đầu ra, nên chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và kinh tế của Công ty", ông Quý cho biết.

Huyện Đắk Mil hiện có 10 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể đạt từ 3 - 4 sao. Thực  hiện Chương trình OCOP, những năm qua, huyện đã tích cực triển khai hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, kết nối thị trường.

Kết nối đầu sẽ giúp các chủ thể khai thác tối đa hiệu quả kinh tế và nguồn lực để phát triển sản phẩm OCOP

Thế nhưng, trên thực tế, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện vẫn rất chật vật với đầu ra. Trong đó, các sản phẩm OCOP là nông sản đều thất thế, còn chịu  nhiều tác động từ những biến động của thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối thị trường.

Mặc dù vậy, hầu hết các chủ thể vẫn phải tự tìm kiếm các kênh để tiêu thụ sản phẩm. Điều này cũng khiến nhiều chủ thể phải cầm chừng trong việc phát triển các sản phẩm OCOP.

Vì khó khăn về đầu ra, nên nhiều sản phẩm OCOP có giá bán thấp, chưa tương xứng với chất lượng, công sức đầu tư của người dân. Trong đó, tiêu biểu nhất là bơ, xoài, ca cao...

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả kinh tế. Do đó, huyện Đắk Mil đang rất cần sự tham gia hỗ trợ của các ngành chức năng để sản phẩm OCOP tìm được đầu ra ổn định. Qua đó, nâng giá trị của nông sản Đắk Mil trên thị trường.

Hưng Nguyên

48

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết