Sắp vào cao điểm Tết, vì sao giá thịt lợn ‘rơi’ tự do?
Giá lợn hơi tiếp tục giảm đồng loạt trên cả nước khiến người chăn nuôi thấp thỏm dù đang trong cao điểm tiêu thụ Tết. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, siêu thị, theo các tiểu thương, sức mua cũng èo uột chỉ bằng 60-70% so với giữa năm.
Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay trên cả nước tiếp tục giảm nhẹ từ 1.000-3.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Theo đó, giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc giảm thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg về mức 51.000 - 53.000 đồng/kg. Trong đó, hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai sau khi giảm 1.000 đồng/kg, về mức 51.000 đồng/kg. Đây là mức thu mua lợn hơi thấp nhất miền Bắc. Còn tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, giá lợn hơi giảm về còn 53.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đồng/kg so với hôm qua về mức 50.000-54.000 đồng/kg. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa có giá bán cao nhất là 54.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam biến động mạnh hơn. Giá lợn hơi ở khu vực này hôm nay giảm thêm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua và hiện giao dịch quanh ngưỡng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, Trà Vinh và Cần Thơ lần lượt giảm 2.000 và 3.000 đồng/kg, về chung mức 52.000 đồng/kg. Kiên Giang là địa phương có giá lợn hơi thấp nhất miền Nam, neo ở mức 51.000 đồng/kg. Còn cao nhất là Cà Mau với giá 55.000 đồng/kg.
Chia sẻ với Tiền Phong, anh Nguyễn Quang Sáng - một người chăn nuôi lợn ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên - cho biết, theo quy luật, từ tháng 11 trở đi là mùa cao điểm các cơ sở chế biến thực phẩm tăng mua thịt lợn để phục vụ cho chế biến các mặt hàng thực phẩm cung ứng cho nhu cầu lễ, Tết cuối năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sức mua từ các cơ sở chế biến vẫn rất chậm, khiến giá lợn hơi không thể nhích nổi.
"Gia đình hiện có hơn 300 con lợn thịt đến độ xuất chuồng. Nhưng cả tháng nay, thương lái đến hỏi mua cũng rất lẹt đẹt. Giá bán cũng ở ngưỡng 52.000-53.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi hầu như không có lãi. Chưa kể người nuôi đang đối mặt với nhiều rủi ro”, anh Sáng nói.
Giá lợn hơi giảm liên tục từ cũng kéo theo giá thịt tại các chợ có phần hạ nhiệt. Tại các chợ truyền thống của Hà Nội, như Mỗ Lao, Văn La (Hà Đông); Mễ Trì, Đình Thôn (Nam Từ Liêm)... giá thịt lợn hiện dao động trong khoảng 90.000-130.000 đồng/kg.
Cụ thể, thịt mông sấn duy trì ở mức 90.000 đồng/kg; thịt chân giò 100.000 đồng/kg; thịt ba chỉ duy trì ở mức 105.000-110.000 đồng/kg; sườn thăn giá 120.000-130.000 đồng/kg… So với thời điểm cách đây 2 tháng, giá thịt lợn đã giảm khoảng 40.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, lượng tiêu thụ cũng không nhiều. Chị Lê Ánh - tiểu thương tại chợ Mỗ Lao - cho biết, từ đầu tháng trở lại đây lượng tiêu thụ tại sạp của chị mỗi ngày chỉ khoảng 80-100 kg thịt, bằng 60-70% so với giữa năm trong khi giá thịt giảm 20-30%.
"Bình thường gia đình thuê thêm một nhân viên đứng bán cùng nhưng giờ ế quá, tôi chỉ bán một mình,” chị Ánh chia sẻ.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các công ty cung cấp thịt, giá thịt lợn ngày 7/12 đang được bán với giá trong khoảng 109.900 - 177.900 đồng/kg. So với tuần trước, giá thịt lợn bán ra giảm khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) - nhận định, những năm trước thị trường Tết thường sôi động trước 1 - 2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chế biến, nhờ đó giá tăng dần đến Tết.
Tuy nhiên, giờ đây, người dân cũng ít chuẩn bị Tết và chi tiêu cũng hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Với hàng thực phẩm chế biến, sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày trước Tết và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước Tết. Doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị nguồn cung để phục vụ thị trường Tết nhưng năm nay trước sức mua yếu, đơn vị cũng dè dặt duy trì ở mức ổn định như năm ngoái.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn có thể tăng nhẹ do nhu cầu các dịp lễ Tết cuối năm, song mức độ tăng giá phụ thuộc vào mức độ bùng phát dịch bệnh và nguồn cung từ việc nhập khẩu.