Sau vải thiều, Việt Nam có thêm 1 loại trái cây được cấp “giấy thông hành” vào Nhật Bản
Ngày 7/10/2021, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thanh long Bình Thuận đã được Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại thị trường này, sau vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
Khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 33.750ha thanh long, trong đó trên 11.900ha được chứng nhận VietGAP và 517ha được chứng nhận GlobalGAP.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục Sở hữu trí tuệ đã tung nhiều lực lượng, ở nhiều mặt trận để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản.
Ông Văn Công Thới - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận: Đẩy mạnh quảng bá chỉ dẫn địa lý Bình Thuận
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong dự án để chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được cấp bằng trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" để nâng cao uy tín, giá trị cho thanh long Bình Thuận.
Tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Liên kết, hợp tác các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP; tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long.
Anh Thơ (ghi)
Nhật Bản vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp.
Để có thể có những bước đi thuận lợi nhất, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực.
Một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, là bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản, theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước.
Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn.
Nâng giá trị sản phẩm
Theo ông Đinh Hữu Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có ưu thế về giá.
Cụ thể, ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị "đánh cắp" khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn và được người dân nơi đây ưa chuộng vì họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng nên yên tâm khi lựa chọn mua dùng.
Do đó, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung.
Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Phí nhận định, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.
Khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Nâng cao nhận thức của người nông dân và giám sát quy trình trồng và sản xuất, đảm bảo tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật.