|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu

Nông dân Sơn La tích cực bao trái cây, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, phục vụ xuất khẩu, góp phần nang cao thu nhập.

Nâng cao chất lượng hoa quả từ bao trái 

Với phương châm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản theo hướng hiệu quả, bền vững, tỉnh Sơn La xác định chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu để chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian này nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là việc bao trái cây, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, bán được giá cao, góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tiết kiệm chi phí cho người sản xuất.

Huyện Mường La, một trong những địa phương có sản lượng hoa quả lớn của tỉnh Sơn La. Địa phương này xác định, chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu để chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu. Các ngành chức năng của huyện Mường La đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là việc bao trái cây, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt.

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu - Ảnh 2.

Bao trái cây, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Tâm,Phó chủ tịch UBND huyện Mường La, Sơn La cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường La có trên 2700 ha xoài với sản lượng trên 13000 tấn, đây là loại cây đem lại thu nhập cao cho người dân. Được xác định là loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, trong mấy năm trở lại đây, việc thâm canh, mở rộng diện tích xoài trên địa bàn càng được chú trọng phát triển; tư duy canh tác của bà con cũng được thay đổi, mở rộng hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nếu như trước đây, người dân chỉ quan tâm đến sản lượng mà không mấy chú ý đến chất lượng cũng như nhu cầu thị trường, sản phẩm xoài quả không đảm bảo, thường tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rồi hoạt động thu mua, chế biến gặp khó khăn...Trong vài năm gần đây, bà con nông dân trong huyện đã chú ý đến việc chăm sóc xoài theo đúng quy trình kỹ thuật, tổ chức bao trái cho quả xoài, đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu, rồi tổ chức liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

"Ngay từ đầu năm UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với các ban ngành của tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, các hợp tác xã tổ chức triển khai chăm sóc và công nhận mã số vùng trồng, cũng như sản xuất theo quy trình Vietgap và đặc biệt là quy trình bao trái trên địa bàn. Năm nay ngoài việc ký kết với các đơn vị xuất khẩu về xoài và các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, chúng tôi xúc tiến, quảng bá với các siêu thị trong nước để làm sao đảm bảo tiêu thụ vì sản lượng quả năm nay trên địa bàn huyện Mường La trên 28.000 tấn, cố gắng làm xuất khẩu trên 15000 tấn", ông Tâm nói.

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu - Ảnh 3.

Huyện Mường La một trong những địa phương của tỉnh Sơn La thực hiện tốt phong trào bao trái cây. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình Ông Quàng Văn Vinh, Bản Cứp xã Mường Bú, Mường, tỉnh Sơn La hiện nay có trên 300 gốc xoài đang cho thu hoạch, để chuẩn bị cho vụ xoài này, gia đình anh tiến hành bao bọc quả xoài, ông vinh đã chọn những quả to, đẹp, không bị sâu bệnh để bao trái, nhằm đảm bảo yêu cầu của thương lái.

"Gia đình tôi có gần 1 ha trồng xoài, hàng năm chỉ chăm sóc theo cách truyền thống không bao trái nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm nay khi tham gia ngày hội bao trái hướng tới tiêu thụ và xuất khẩu này, khi về gia đình sẽ tiến hành bao trái để cho quả xoài được giá hơn" ông Vinh nói.

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu - Ảnh 4.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất chất lượng, sản lượng nông sản của huyện Mường La ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nguyễn Văn Huân, Chi cục bảo vệ thực vật và trồng trọt tỉnh sơn La cho biết: "bao trái" cho quả xoài khi đã hết thời gian rụng sinh lý, tức là quả xoài khi bắt đầu đậu trái đến khoảng thời gian từ 35 ngày – 40 ngày. Tiếp đó, lựa chọn những quả xoài không bị sâu bệnh hại, mẫu mã đẹp, không bị lép, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý toàn bộ sâu bệnh và tiến hành bao trái. Thời gian bao trái đến lúc thu hoạch không sử dụng thuốc BVTV nên chất lượng quả sẽ tăng lên rất cao.

Hơn nữa, người dân cần lựa chọn những doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất bao trái đảm bảo các yếu tố như: Chất lượng tốt, sản phẩm đã được kiểm định, đánh giá đảm bảo an toàn. Bởi, nếu bà con sử dụng những bao trái an toàn thì quả xoài không bị thẩm thấu nước, không bị côn trùng, từ đó có quả xoài chất lượng. Thêm vào đó, đến thời gian thu hoạch, bà con phải thu hoạch đúng quy trình, quy chuẩn trong thu hoạch. Tránh trường hợp bao trái tốt nhưng khâu thu hoạch không tốt thì sản phẩm của chúng ta sẽ không đảm bảo.

"Trái cây được bao sẽ hơn hẳn về mẫu mã, chất lượng và độ sạch so với trái cây không được bao bọc. Việc bao trái xoài là công đoạn quan trọng. Bao trái đúng lúc, đúng thời điểm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường chấp nhận. Khi bao trái, ngoài tác dụng ngăn sâu bệnh, hạn chế nắng nóng và mưa, đặc biệt là kiểm soát 100% quả không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm bao trái bán tại các hợp tác xã đều có giá bán cao hơn những loại quả không được bao trái trên địa bàn" anh Huân nói.

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia, "bao trái" cho quả xoài khi đã hết thời gian rụng sinh lý, tức là quả xoài khi bắt đầu đậu trái đến khoảng thời gian từ 35 ngày – 40 ngày, sẽ cho hiệu quả cao. Ảnh: Văn Ngọc

Bao trái để hướng tới xuất khẩu

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Tỉnh Sơn La hiện có 84.784 ha cây ăn quả, sản lượng quả năm 2023 ước đạt 451.779 tấn, tăng 28% so với năm 2022; có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 110 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Mỗi năm toàn tỉnh đã thực hiện bao trái được khoảng 15 triệu trái cây, trong đó chủ yếu là bao trái xoài, bưởi da xanh, na, ổi... 

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu - Ảnh 6.

Sơn La tích cực hướng dẫn bao trái cây, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, bán được giá cao. Ảnh: Văn Ngọc

Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông sản 2023 với mục  tiêu đạt trên 18.700 tấn, tăng 0,98%; giá trị tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 25,26 triệu USD, tăng 26,15% so với năm 2022.  Để sản phẩm trái cây Sơn La chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nga, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông và Asean chấp nhận Sơn La cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất và quản lý tốt mã số vùng trồng, quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu sản phẩm.

Sơn La: Bao trái cây để hướng xuất khẩu - Ảnh 7.

Đên nay sản phẩm nông nghiệp của Sơn La đã chinh phục được thị trường thế giới. Ảnh: Văn Ngọc

Các sở, ban ngành, các huyện, thành phố tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng. Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh việc liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.

"Từ nâng cao chất lượng nông sản từ trái xoài tiếp theo là nhãn và các sản phẩm khác để chúng ta nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm và tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản. Năm nay chúng ta phấn đấu đạt 175 triệu USD xuất khẩu các sản phẩm nông sản trong đó có  trái cây. Thứ 2 giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản vào các thị trường bao gồm các siêu thị trên toàn quốc, hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước, hiện nay chúng ta đã có Mỹ, Pháp, úc và thị trường Trung Quốc.Tiếp tục tìm kiếm thị trường mới khối trung đông và tiếp cận thị trường khó tính hơn nữa" ông Công nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin