Sơn La: Chuẩn bị rau màu phục vụ thị trường Tết
Bà con nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La chuẩn bị sản xuất vụ rau màu mới để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán…
Tập trung trồng các loại rau màu ăn lá
Chúng tôi đến xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) - một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu chuyên canh quanh năm tại huyện. Mai Sơn. Dọc theo các tuyến đường nông thôn, những luống rau của bà con nông dân phát triển xanh tốt, với đa dạng các loại màu và nhiều nhất có thể kể đến là các loại: bắp cải, ớt, hành lá, cải canh, cà rốt…
Cần mẫn chăm sóc cho từng luống bắp cải của gia đình đã xuống giống gần nửa tháng, ông Lò Văn Nhiền, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có hơn 3000m2 đất bằng, canh tác rau màu các loại như: Cải thảo, ớt, bắp cải… Hàng năm, cứ trước Tết khoảng 2 tháng, gia đình tôi tập trung xuống các loại giống rau ăn lá, như cải thảo, bắp cải, cải canh… bởi các loại rau này bán chay vào dịp tết.
"Trong thời gian tới, rau màu sẽ tiêu thụ tốt trên thị trường, khi các chợ truyền thống có nhiều người dân đi chợ lúc Tết đến. Thường Tết đến, người tiêu dùng mua nhiều bắp cải về sử dụng nên tôi đã xuống giống 2000m2 bắp cải, hiện tại bắp cải phát triển rất tốt. Với diện tích bắp cải trên, tôi ước tính sản lượng hơn 7 tấn. Hiện tại, giá bắp cải được thương lái thu mua tại ruộng là 10.000 đồng/kg, nếu dịp tết Nguyên đán bán giá 10.000 đồng, thu về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng", ông Nhiền nói.
Nâng cao thu nhập từ việc trồng rau màu phục vụ Tết
Theo QL6, từ huyện Mai Sơn chúng tôi đến xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La), đây cũng là địa phương có nhiều diện tích trồng màu chuyên canh. Ngay bên đường giao thông nông thôn được đổ bê tông, chúng tôi ghé thăm vườn rau màu của gia đình ông Lò Văn Tiến, bản Ỏ, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, (Sơn La) đúng lúc ông đang bón phân cho ruộng cải bắp của gia đình đã xuống giống được hơn chục ngày.
Theo ông Tiến, gia đình ông gắn bó với cây màu hơn 15 năm và trồng chuyên canh nhiều loại màu khác nhau gồm: dưa leo, rau cải các loại… Tết năm 2023 này, gia đình ông trồng bắp cải, dưa chuột, bởi theo dự đoán của ông thì tới đây giá bắp sẽ tăng cao. Ông hy vọng giá tiếp tục tăng để người sản xuất thu về lợi nhuận tốt trong vụ màu Tết.
Còn đối với Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tổ 7, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) là vùng chuyên thâm canh rau màu trên địa bàn thành phố. Để chuẩn bị cho thị trường thực phẩm Tết, các hộ gia đình đã bắt tay vào sản xuất vụ đông từ đầu tháng 10. Hiện Tổ hợp tác có 2,6 ha trồng các loại rau như bắp cải, su hào, súp lơ,…
Để rau vụ đông đạt năng suất cao, ngay từ đầu vụ, các thành viên trong Tổ hợp tác đã chú trọng đến việc chọn lựa giống cây trồng, đặc biệt đảm bảo việc bón phân đúng quy trình, quy định nhằm tăng năng suất, chất lượng an toàn. Dự kiến vụ đông năm nay Tổ hợp tác sẽ thu 30-40 tấn rau, củ, quả, thu lời hàng trăm triệu đồng. Hiện, kênh tiêu thụ chính của Tổ hợp tác là tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Á, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tổ 7 phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chia sẻ: "Các thành viên trong tổ hợp tác trồng rau đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác; việc sản xuất kinh doanh rau đã mang lại thu nhập ổn định cho nông dân; giá rau năm nay thì nói chung bình quân gọi là tạm ổn để mang lại công lao động cho người sản xuất. Từ nhiều năm nay nếu mà so với các cây nông nghiệp khác ví dụ như ngô sắn thì nó đảm bảo công lao động cho người dân hơn".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thành phố Sơn La cho biết: Vụ đông năm nay, thành phố Sơn La phấn đấu gieo trồng hơn 50 ha rau màu các loại. Ngay sau khi thu hoạch xong vụ mùa, UBND thành phố Sơn La đã chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất rau vụ đông, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả kinh tế cao, hướng tới đưa rau vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tập trung thông tin tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, chuẩn bị giống, phân bón; chủ động phương án giống dự phòng khi thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra, dự báo kịp các loại sâu bệnh gây hại; kiểm tra và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc. Trung tâm đã cử viên chức kỹ thuật xuống hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, khuyến cáo bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực có trong danh mục được phép; đưa ra thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
"Để tiêu thụ rau màu tốt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, kể cả sau Tết thì khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng tập trung một loại màu, phải trồng nhiều loại màu khác nhau trên cùng diện tích, đặc biệt là nên rải vụ màu để đảm bảo có rau màu bán sau Tết. Về chăm sóc rau màu cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc sinh học, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đảm bảo rau màu bảo quản được thời gian lâu hơn…" ông Ước thông tin thêm.