Sơn La: Đồng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân giúp nông dân làm giàu
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng nghìn hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La có điều kiện mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững...
Tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt hơn 67,9 tỷ đồng
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La đã phát huy hiệu quả, trở thành kênh tín dụng thiết thực giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hội viên nông dân có thêm điều kiện xây dựng và phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tính đến ngày 30/11/2022, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh phát sinh tăng hơn 5,3 tỷ đồng, nâng tổng số Quỹ lên hơn 67,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội Nông dân ủy thác cho vay 15,4 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh hơn 17,6 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố trên 15,8 tỷ đồng, nguồn vận động, ủng hộ từ tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân, nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động hơn 19 tỷ đồng.
Hiện nay, 12/12 Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện, thành phố hoạt động hiệu quả, 100% cơ sở Hội phát triển được nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; trên 235 dự án được giải ngân với số tiền hơn trên 65,8 tỷ đồng cho 1.898 hộ hội viên nông dân vay vốn, không có hộ nợ quá hạn. Từ nguồn quỹ này đã giải quyết cho hàng nghìn lượt hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng
Anh Lò Văn Tuấn (bản Mé Mời, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn) chia sẻ: Nhận thấy diện tích đất của gia đình còn nhiều, vì vậy, gia đình đã quyết tâm trồng thêm cây ăn quả, cỏ voi, ngô để chăn nuôi bò, lợn. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên gia đình tôi loay hoay mãi không biết triển khai thế nào. Sau khi được cán bộ Hội hướng dẫn, tôi đã mạnh dạn vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua thêm bò về nuôi nhốt chuồng và phát triển, mở rộng diện tích nhãn, bưởi. Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi này, bước đầu đã giúp gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.
Còn anh Mè Văn Anh (bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu) thì bảo: Năm 2018, sau khi được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cùng nguồn vốn tự có, gia đình tôi đầu tư trồng 3ha cam, xoài. Từ năm 2020 đến nay, diện tích cây ăn quả đã cho sản lượng là hơn 10 tấn xoài, trên 1 tấn cam, mang lại thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Nhờ số tiền thu được từ diện tích cây ăn quả này, tôi đầu tư vào hệ thống tưới nhỏ giọt, mua bò giống về nuôi sinh sản. Qua đó, giúp giảm được công chăm sóc, chi phí phân bón, nâng cao năng suất, chất lượng, tuổi thọ cho cây trồng. Dự kiến năm 2023, sản lượng cam ước đạt 15 tấn, hơn 3 tấn xoài, doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm..
Bên cạnh việc giải ngân vốn vay, công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng nhằm đảm bảo hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong năm, các cấp Hội Nông dân phối hợp tổ chức 28 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 440 cán bộ hội, tổ trưởng, phó tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa bàn 3 huyện để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Trao đổi với PV, ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hội Nông dân tỉnh thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu vay vốn của hội viên và chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương cắt giảm thủ tục rườm rà để đồng vốn nhanh chóng đến với hội viên; ưu tiên gia đình hội viên nghèo cần vốn phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã đôn đốc các cấp hội kiểm tra, giám sát để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Ngoài ra, Hội phối hợp với các ngân hàng đang thực hiện ủy thác vốn rà soát, kiện toàn các tổ tiết kiệm, vay vốn nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn này giúp nhiều hội viên nông dân xây dựng, phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Mặt khác, Hội Nông dân tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sơn La thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nông dân nói chung, hộ nghèo, đối tượng chính sách khác nói riêng, với tổng dư nợ cho vay đạt gần 2.500 tỷ đồng, giúp hàng chục nghìn lượt hộ tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.