Sơn La: Nhà máy sản xuất phân bón lớn nhất đi vào hoạt động
Với công nghệ hiện đại, nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc sẽ cung cấp hàng chục nghìn tấn phân bón mỗi năm cho bà con nông dân.
Nhà máy phân bón quy mô hàng trăm nghìn tấn
Ngày 9/2, tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc tại bản Xa Căn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La. Dự án Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2718/QĐ-UBND ngày 9/11/2021. Dự án khởi công xây dựng tháng 2/2022 tại Bản Xa Căn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn với tổng vốn đầu tư dự án gần 160 tỷ đồng.
Đến nay, nhà máy đã hoàn thành với công suất 90.000 tấn/năm, bao gồm dây chuyền sản xuất phân bón vô cơ công suất 45.000 tấn/năm và phân bón hữu cơ công suất 45.000 tấn/năm. Dự án có tổng diện tích trên 81.000m2, bao gồm nhà điều hành, phân xưởng sản xuất, các hạng mục phụ trợ như xưởng nghiền phụ gia, nhà ở cán bộ công nhân viên, bãi tập kết nguyên liệu, khuôn viên cây xanh…
Nhà máy được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới và tại Việt Nam. Sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Bioway của Mỹ. Đây là công nghệ lên men siêu tốc trong khoảng 6 giờ đến 12 giờ, có thể cho ra sản phẩm phân bón đảm bảo hàm lượng hữu cơ cao, đầy đủ dinh dưỡng, chất lượng vượt trội, ổn định, cây dễ hấp thu. Đặc biệt sản phẩm còn có thể diệt hết các mầm mống gây hại cho cây trồng.
Phát biểu tại lê khánh thành, ông Nguyễn Như Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc cho biết: Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phong trào sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, mỗi năm nhà máy sẽ tiêu thụ từ 70.000 tấn đến 80.000 tấn rác thải, phụ phế phẩm của các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản như vỏ cà phê, bã sẵn, bùn bã mía đường và các phụ phẩm khác trong quá trình chăn nuôi, góp phần mang lại cả 2 lợi ích kinh tế và môi trường tại tỉnh Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.
Cũng theo ông Hùng, trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc sẽ tập trung các nguồn lực vận hành, đảm bảo công tác sản xuất các sản phẩm của công ty hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất. Nghiên cứu phát triển phân bón hữu cơ thế hệ mới, phân bón công nghệ cao, chuyên dùng cho một số cây trồng có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh (Cây Na, Dâu tây, Rau,...)
Tạo ra các chế phẩm sinh học nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và chuyên dùng cho cây trồng. Nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tăng tính linh hoạt, chủ động và bền vững trong sản xuất kinh doanh. Thực hiện công tác Chuyển đổi số doanh nghiệp theo định hướng kế hoạch của Chính phủ và UBND tỉnh Sơn La.
Tích cực đổi mới sáng tạo, xây dựng mô hình kinh doanh mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xây dựng hệ thống để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Triển khai tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu công việc và phát triển theo định hướng trong tương lai.
Tập trung phát triển thị trường, hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết sản phẩm của Công ty tại các thị trường mục tiêu, đặc biệt là phát triển hiệu quả thị trường Tây Bắc và Đông Bắc bộ, chủ động linh hoạt đưa sản phẩm phân bón hữu cơ là sản phẩm chủ lực vào thị trường mục tiêu. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện để tạo động lực phát triển bền vững.
Phân bón Sông Lam đi cùng nông dân
Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc đi vào hoạt động trong tình hình thị trường phân bón biến động như hiện nay sẽ góp phần cung cấp các loại phân bón cho địa bàn trong tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành trong cả nước, tạo việc làm cho nhiều lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị: Công ty phân bón Sông Lam Tây Bắc sau khi đi vào hoạt động, cần chuyên tâm tạo giá trị cộng đồng, lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, nghiên cứu, cải tiến, sản xuất phân bón, hướng dẫn sử dụng phân bón trên từng loại đất, cho từng cây trồng để người nông dân hiểu rõ hơn. Công ty phải tập trung các nguồn lực vận hành, đảm bảo công tác sản xuất các sản phẩm đạt hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất.
Công ty nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tăng tính linh hoạt, chủ động và bền vững trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thực hiện công tác chuyển đổi số doanh nghiệp theo định hướng kế hoạch của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành. Tích cực đổi mới sáng tạo, xây dựng mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng hệ thống để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Bà Phạm Thị Chương, Tiểu khu 19, TT Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) Cho biết: Khi nhà nhà máy đi vào hoạt động rất là thuận tiện, thuận tiện về đường vận chuyển, cước vận chuyển. Nhà máy thì được đầu tư hiện đại, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được cho người nông dân trong sản xuất. Chúng tôi cũng mong muốn, trong thời gian tới, ngoài các sản phẩm đã có, nhà máy có thêm nhiều dòng sản phẩm hơn nữa để người dân chúng tôi được tiếp cấn và đưa vào sản xuất tốt hơn.