Sơn La: Nông dân đi lên từ cây nhãn
Từ những năm 1960, cây nhãn đã được trồng trên mảnh đất Sông Mã (Sơn La). Bằng những nỗ lực của người dân và chính quyền, cây nhãn đã từng bước trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao, bền vững cho người nông dân nơi đây.
Cây nhãn giúp nông dân huyện biên giới no ấm
Cây nhãn được trồng lâu năm trên địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La), vào đầu những năm 60 của thế kỉ trước. Qua thực tiễn, cây nhãn rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Sông Mã và cũng là giống cây cho giá trị kinh tế cao. Nếu như trước đây, trồng nhãn chỉ mang tính chất tự phát, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phần do việc chăm sóc chưa tốt, chưa đầu tư đúng kỹ thuật, phần do giống cũ thoái hóa, quả nhỏ nên có nơi bà con chặt bỏ nhiều.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Sông Mã đã tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó, nhãn là một trong những cây đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân. Vì vậy, cây nhãn đã được các cấp, các ngành của huyện quan tâm, người dân chú trọng đầu tư trồng ở khắp các sườn đồi, trên địa bàn 19 xã, thị trấn của huyện. Để phát triển cây nhãn trên địa bàn, huyện Sông Mã đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn chín muộn Hưng Yên, giống Miền Thiết, T6 và một số giống khác có hiệu quả kinh tế cao...
Thành lập năm 2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đã và đang thực hiện tốt hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm nhãn, mang lại thu nhập ngày càng cao cho các thành viên HTX, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trao đổi về các khâu trong quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhãn, ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết: HTX tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ cách bón phân, sử dụng thuốc BVTV hợp lý để không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, bảo vệ được môi trường, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, chất cấm; luôn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng quả nhãn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Những loại quả to, mẫu mã đẹp thì HTX sẽ chọn bán cho tiểu thương, còn những chùm quả bé, đợi đến khi chín hẳn sẽ thuê người hái bóc làm long nhãn. Vào mùa nhãn, HTX thuê từ 40 - 50 người vừa thu hoạch nhãn vừa làm long, sấy nhãn. Dự tính, 37 ha nhãn của HTX sẽ cho thu hoạch khoảng 300 tấn. HTX chúng tôi còn mua thêm 200 tấn nhãn quả của người dân địa phương về làm long nhãn, mỗi vụ ước doanh thu HTX chừng 4 tỷ đồng", ông Phúc nói.
Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong sản xuất nhãn của huyện Sông Mã, HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La), có 15 thành viên trồng và chăm sóc gần 31 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha, sản lượng hơn 400 tấn/năm; trong đó, có 5 ha nhãn hữu cơ.
Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, cho biết: HTX được các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Sông Mã hỗ trợ, hướng dẫn kết nối với các thương lái, cơ sở kinh doanh, buôn bán trong và ngoài tỉnh để chủ động việc tiêu thụ nhãn. Với những diện tích nhãn hữu cơ sẽ cho sản phẩm chất lượng để xuất khẩu, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, HTX chỉ đạo các thành viên chuẩn bị các lò sấy, sẵn sàng cho vụ làm long nhãn năm nay.
Sông Mã phát triển cây nhãn theo hướng an toàn để xuất khẩu
Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thông tin: Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển cây ăn quả, trong những năm qua huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển cây ăn quả trên đất dốc.
Hiện nay diện tích cây ăn quả các loại của huyện Sông Mã có trên 10.662ha, sản lượng ước đạt trên 100 nghìn tấn, trong đó diện tích cây nhãn 7.480 ha, chiếm trên 70,45% diện tích cây ăn quả của huyện, sản lượng hằng năm ước đạt trên 60.000 tấn. Cây nhãn đã từng bước khẳng định được vị thế, nhiều hộ gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn.
Để phát triển cây nhãn trên địa bàn, huyện Sông Mã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn chín muộn Hưng Yên, giống Miền Thiết, T6 và một số giống khác có hiệu quả kinh tế cao...Cùng với đó, huyện tập trung nâng cao hiệu quả của các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất và công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm; thành lập, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Đến nay nhiều sản phẩm nông sản của huyện Sông Mã từng bước xây dựng, khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trong đó sản phẩm "Nhãn Sông Mã" đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký "Nhãn hiệu chứng nhận" nhãn Sông Mã vào tháng 6 năm 2017; Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cấp 46 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 570 ha, trong đó: 09 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với diện tích 32,3 ha, dự kiến sản lượng 385 tấn; 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 365, 5 ha, dự kiến sản lượng trên 4.348 tấn; 16 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand với 173 ha, dự kiến sản lượng 2.058 tấn; 09 cơ sở đóng gói (nhãn) với diện tích 1.955 ha phục vụ xuất khẩu.
"Huyện Sông Mã xác định, đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa nông sản nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng của huyện là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu nông sản được xác định là khâu đột phá. Riêng năm 2021 toàn huyện đã xuất khẩu được các loại nông sản như nhãn, xoài... sang thị trường các nước (Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Trung Quốc …) với trên 3.900 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,5 triệu USD và triển khai" ông Sinh nói.
Có thể thấy, cây nhãn đã khẳng định được vị thế trong quá trình chuyển đổi cây trồng trên dốc ở huyện Sông Mã (Sơn La) giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực xây dựng quê hương phát triển.