Sơn La: Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên cây trồng, thay thế phương pháp truyền thống là hướng đi mới của người dân trên địa bàn thành phố Sơn La
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đem lại thu nhập cao cho nông dân
Thành phố Sơn La có trên 10.000 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó, 4.120 ha cây ăn quả. Những năm qua, địa phương này đã chú trọng chuyển đổi phương thức nông nghiệp xanh, sạch, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, hiệu quả
Trong đó tập chung định hướng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ bao gồm: trồng mận, cam, quýt tại các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ gắn với du lịch trải nghiệm; phát triển trồng nhãn, xoài tại các xã Chiềng Ngần, Hua La... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trước đây, nhiều hộ gia đình chỉ tập trung trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nỗi lo "được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa". Nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu dùng hướng đến nông sản an toàn, những năm gần đây nhiều hộ nông dân đã quyết tâm thay đổi phương thức, chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ.
Từ năm 2016, gia đình ông Lèo Văn Dũng, bản Noong Lọ, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La (Sơn La) bắt đầu trồng mận tam hoa với diện tích 1 ha. Thời điểm đó, cây mận của gia đình chủ yếu phát triển tự nhiên nên hay bị sâu bệnh, quả nhỏ. Đến năm 2021, theo định hướng của xã, gia đình ông đăng ký tham gia mô hình thâm canh, cải tạo mận theo hướng hữu cơ.
Sau khi tham gia mô hình, được hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa cành, hạ tán, tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng để cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh; thực hiện chuyển đổi sang sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho mận. Nhờ vậy đến nay, diện tích mận của gia đình ông sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp. Dự kiến vụ mận năm nay sẽ cho thu khoảng trên 20 tấn quả, cao gấp 1,5 lần so với khi chưa thực hiện cải tạo.
"Trước đây gia đình canh tác mận theo hướng truyền thống dẫn đến hiệu quả về năng suất, chất lượng ngày càng kém. Mây năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn về cách cải tạo vườn tạp, gia đình tôi đã thực hiện theo. Hiện nay gia đình đang canh tác mận tam hoa theo hướng hữu cơ, tôi thấy canh tác theo hướng này hiệu quả hơn, an toàn hơn và bán được giá hơn", ông Dũng nói.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ
Trao đổi với phóng viên, ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, TP Sơn La (Sơn La) cho biết: Xã Chiềng Cọ nổi tiếng với nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt có giống quýt bản địa; với tổng diện tích trên 10 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất và chất lượng quýt không ổn định do người dân chưa chú trọng cải tạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, giống bị thoái hóa nên ít trái, quả chua và khô.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả, xã Chiềng Cọ đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố triển khai thí điểm mô hình thâm canh cải tạo 1 ha quýt tại bản Ngoại. Với việc tác động bằng các biện pháp, trong đó chú trọng việc bón phân hữu cơ đúng kỹ thuật, cắt tỉa đúng thời kỳ nên quýt mọng nước, quả to hơn, cho sản lượng cao. Trung bình đạt 30kg/cây, cao gấp 3 lần so với chưa cải tạo. Mô hình thâm canh, cải tạo cây quýt theo hướng hữu cơ đã làm thay đổi tư duy của bà con.
"Nhận thấy hiệu quả từ việc canh tác theo hướng hữu cơ, bà con đã bắt đầu học tập, làm theo, chuyển hướng sang trồng theo quy trình an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng theo hướng hữu cơ và đưa sản phẩm quýt bản địa Chiềng Cọ tham gia OCOP để xây dựng thương hiệu gắn với du lịch trải nghiệm, qua đó tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững", ông Hòa nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Sơn La cho biết: Với định hướng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ nông dân thực hiện chăm sóc, phát triển các vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
"Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La đã hướng dẫn bà con nông dân sau khi thu hoạch các loại cây ăn quả sẽ tiến hành, cắt tỉa, bón phân, chăm sóc theo quy trình hữu cơ, để cây được phục hồi, đảm bảo về sản lượng cũng như chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng", ông Ước nói.
Tuy nhiên hiện nay, với diện tích cây ăn quả trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP trên địa bàn thành phố Sơn La (Sơn La) còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thành Phố Sơn La đã, đang và sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, quy trình thực hành nông nghiệp tốt.
Xây dựng thêm các mô hình điểm, tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để từ đó nhân rộng, lựa chọn và chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và biện pháp kỹ thuật thâm canh mới có hiệu quả vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.