Sơn La: Tập huấn Chương trình OCOP năm 2022
Sáng 27/9, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La đã tổ chức khai mạc lớp tập huấn đào tạo kiến thức Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Clip: Khai mạc lớp tập huấn đào tạo kiến thức Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2022.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La tập huấn kiến thức Chương trình OCOP năm 2022
Lớp tập huấn kiến thức Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2022 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 27/9 đến ngày 29/9/2022) tại Hội trường Khách sạn Hoàng Gia, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Tham gia lớp tập huấn Chương trình OCOP có 60 học viên là các cán bộ, các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP đến từ 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Hoàng Thị Hiền, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh Sơn La về tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức tập huấn kiến thức cho các học viên là cán bộ, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La mong muốn, tham gia lớp tập huấn, học viên sẽ được các thầy giáo là giảng viên có kinh nghiệm đến từ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên truyền đạt các chuyên đề trọng tâm về Chương trình OCOP.
Thông qua đó, các học viên nắm được kiến thức cơ bản về Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở để tìm ra giải pháp, cách làm hay. Từ đó, góp phần giúp tỉnh Sơn La có thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Nội dung lớp tập huấn đào tạo kiến thức Chương trình OCOP gồm 8 chuyên đề: Chương trình OCOP và những điểm mới; Chu trình OCOP và vai trò của cán bộ OCOP cấp huyện, xã; Xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP , vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan; Ý tưởng sản phẩm và chu trình phát triển sản phẩm mới, những điều cần lưu ý...
Tầm quan trọng của xây dựng vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Marketing sản phẩm OCOP; Quản lý chất lượng sản phẩm nông sản; Một số chính sách hỗ trợ mà chủ thể nghiên cứu và tiếp cận.
Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 83 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm hạng 5 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 sao và 4 sao. Trong năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm 40 sản phẩm OCOP. Hiện, các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Sơn La vẫn đang tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm mang đậm bản sắc, đặc trưng, giúp người dân nâng cao thu nhập.