Sơn La: Triển lãm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu
Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức triển lãm ảnh “Tinh thần Tô Hiệu”. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Đồng chí Tô Hiệu - người cách mạng trung kiên
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1912 - 2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (1943 - 2022), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức triển lãm ảnh "Tinh thần Tô Hiệu". Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Đồng chí Tô Hiệu quê ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí tham gia cách mạng từ khi còn thiếu niên và là một cán bộ lãnh đạo kiên trung của Đảng, đã có công xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936.
Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị bắt lần thứ hai, tháng 1/1940 đồng chí bị thực dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La. khi đó đồng chí đang là Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Liên khu B kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Tháng 2/1940 tại nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu đã cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và một số đồng chí khác thành lập chi bộ Nhà tù Sơn La và cử đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Tô Hiệu làm chi ủy viên.
Đồng chí Tô Hiệu mãi mãi gắn với lịch sử Sơn La
Đến tháng 5/1940 chi ủy triệu tập đại hội Chi bộ để thảo luận quyết định các chủ trương công tác và thống nhất cử đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ để lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù khắc nghiệt của bọn đế quốc, làm công tác binh vận, dân vận.
Chi bộ nhà tù Sơn La tiếp tục lên kế hoạch tổ chức thành công cuộc vượt ngục năm 1943. Mặc dù bị lao phổi nặng, nhưng với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí đã lãnh đạo anh em trong nhà tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng.
Đồng chí Tô Hiệu hy sinh ngày 7 tháng 3 năm 1944 tại nhà tù Sơn La. Những đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng tám năm 1945, giành độc lập tự do cho dân tộc, đồng chí Tô Hiệu đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm tư, tình cảm của biết bao đồng bào, đồng chí tại các địa phương mà đồng chí đã từng hoạt động, tại các nhà tù Côn Đảo, đề lao Hải Phòng, Hỏa Lò Hà Nội và đặc biệt là trong Nhà tù Sơn La. Sự ra đi của đồng chí Tô Hiệu đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, sự khâm phục, kính trọng cho đồng chí và đồng bào ta.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết: Bảo tàng tổ chức triển lãm trưng bày với chủ đề "Tinh thần Tô Hiệu", triển lãm diễn ra từ 1/3 cho đến hết 31/12/2022 tại di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Thông qua triển lãm giới thiệu với du khách, nhân dân các dân tộc Sơn La và nhân dân cả nước về quá trình hoạt động cách mạng, sự nghiệp những đóng góp của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam.
Mặc dù đồng chí Tô Hiệu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ trong một thời gian ngắn vì lý do sức khỏe nhưng đồng chí Tô Hiệu luôn là cố vấn tin cậy, là linh hồn của Chi bộ Nhà tù Sơn La. Đặc biệt trong thời gian đồng chí làm Bí thư Chi bộ còn kiêm thêm Trưởng ban huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng những cán bộ, chiến sỹ cách mạng xuất sắc, như đồng chí Nguyễn Văn Trân, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng...
"Trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, nhất là tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La và tiêu biểu là vai trò của đồng chí Tô Hiệu. Bên cạnh đó, cây đào Tô Hiệu biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ cộng sản Nhà tù Sơn La, hiện nay vẫn xanh tươi, đơn hoa kết trái mỗi độ xuân về. Đây cũng là điểm nhấn xúc động, luôn đọng lại cho du khách tham quan mỗi khi đến tham quan di tích Nhà tù Sơn La. Họ đến đây không chỉ để tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử mà còn thắp hương tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ những người có công với cách mạng Việt Nam. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi được trực tiếp chăm sóc, bảo vệ di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La" ông Phạm Văn Tuấn nói.
Chị Hà Thị Sao, Phường Chiềng An, thành phố Sơn La, chia sẻ: Tôi hay đưa các con đến khu di tích Quốc gia đặc Nhà tù Sơn La tham quan để giáo dục cho các con. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào là những người con của Sơn La, chúng tôi luôn khắc ghi về những công lao và sự đóng góp cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam của đồng chí Tô Hiệu và những người chiến sỹ cộng sản. Mỗi thế hệ trẻ chúng tôi sẽ luôn nỗ lực phấn đấu lao động, học tập tốt để dựng xây quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp hơn.
Triển lãm lần này, Bảo tàng tỉnh Sơn La sẽ trưng bày 100 bức ảnh, tư liệu được trình bày trên 15 pano in UV bạt 3M trưng bày ngoài trời. Các tác phẩm được trưng bày theo 3 chủ đề: Quê hương; Tô Hiệu - Tinh thần và ý chí cách mạng; Tỏa sáng mãi tinh thần Tô Hiệu.
Nhằm giới thiệu thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu qua các thời kỳ, góp phần làm rõ bản lĩnh chính trị kiên cường, phẩm chất cách mạng trong sáng, chí công vô tư, tinh thần hy sinh quên mình vì lợi ích cách mạng, luôn gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào là tính cách nổi trội con người liệt sĩ Tô Hiệu.
Qua triển lãm, nhằm góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần đấu tranh kiên cường của người chiến sỹ cách mạng Tô Hiệu. Khẳng định công lao to lớn và nhân cách mẫu mực của đồng chí Tô Hiệu, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta.