Sơn La: Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ nông sản
"Tỉnh Sơn La hiện có 218 mã số vùng trồng cây ăn, với tổng diện tích 3.151 ha tham gia xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, EU…", đo là những con số được nhấn mạnh tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản".
Hình thành vùng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ nông sản
Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La tính đến tháng 11 năm 2023 ước đạt trên 83.478 ha, sản lượng cả năm ước đạt trên 450.000 tấn. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP.
Chia sẻ tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức, ông Hồ Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La) cho biết: Toàn tỉnh Sơn La hiện có 218 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, bao gồm các loại cây ăn quả như: nhãn, xoài, chuối, thanh long, mận, mắc ca, chanh leo; với tổng diện tích 3.151 ha tham gia xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, EU và thị trường khác.
Tổng mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu: 10 mã số, được cấp cho 9 tổ chức, cá nhân đóng gói quả tươi xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 254 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn.
Phát triển sản phẩm nông sản chất lượng
Đối với, việc phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh. Đến nay toàn tỉnh có 110 sản phẩm trong đó: Sản phẩm OCOP đạt 5 sao: 01 sản phẩm; 4 sao: 51 sản phẩm; 3 sao: 58 sản phẩm. Tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; Mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo; Ống hút tre Bình Mình; Gạo nếp tan Ngọc Chiến; Ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát; Trà Sencha; Mật ong; Nấm linh chi; Cao sâm Ngọc Linh; Trà hoa đu đủ đực; Chè shan đặc biệt; Miến tươi Mộc Châu; Hồng trà Vân Hồ.
Cũng theo ông Hồ Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh: Đến nay đã có 26 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh trong đó: 12 sản phẩm quả, cụ thể: 01 chỉ dẫn địa lý (Quả xoài tròn Yên Châu), 11 nhãn hiệu chứng nhận (Cam Phù Yên; Nhãn Sông Mã; Táo Sơn tra Sơn La; Na Mai Sơn; Bơ Sơn La; Chuối Yên Châu; Mận Sơn La; Chanh leo Sơn La, Nhãn Sơn La; Bơ Mộc Châu; Xoài Sơn La); 05 sản phẩm chè (01 chỉ dẫn địa lý chè: Shan tuyết Mộc Châu; 02 nhãn hiệu chứng nhận: chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái; 01 nhãn hiệu tập thế: chè Tà Xùa Bắc Yên;
Đăng ký thành công hộ sản phẩm tại Thái Lan: chè Shan tuyết Mộc Châu); 01 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Mộc Châu; 01 nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Vân Hồ; 01 nhãn hiệu chứng nhận lúa nếp tan Mường Và; 01 chỉ dẫn địa lý cà phê; 01 nhãn hiệu tập thể sản phẩm khoai sọ Thuận Châu; 02 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cá (cá tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La); 01 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm chuối Yên Châu; 01 nhãn hiệu chứng nhận mía tím Sông Mã.
Toàn tỉnh có 744 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở).
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả tại tỉnh, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Còn đối với việc phát triển vùng nguyên liệu gắn liên kết chặt chẽ sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản; giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, tạo được khối lượng hàng hóa tập trung lớn, chất lượng đồng đều đáp ứng yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến; hợp tác xã, hộ gia đình tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp cho các hộ dân yên tâm sản xuất; doanh nghiệp chủ động thu mua sản phẩm, có đủ, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đến nay đã có nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả.
Tính đến tháng 11 năm 2023, tổng sản lượng các loại cây ăn quả chính của tỉnh đã tiêu thụ đạt 423.780 tấn (đạt trên 90% sản lượng so với kế hoạch năm), chủ yếu bao gồm các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, chuối, chanh leo, thanh long... Giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu tính đến tháng 11 năm 2023 ước đạt 158.637,03 nghìn USD, tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2022, Tổng sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu: 143.447,84 tấn. Trong đó: chè 10.600 tấn, cà phê 22.800, sắn 78.020 tấn, đường mía 7.050 tấn, quả tươi các loại trên 13.900 tấn và các nông sản chế biến và nông sản khác.