Tại sao Gia Lai đón nhiều dự án chăn nuôi lớn?
Không chỉ là "thủ phủ" của cây hồ tiêu, Gia Lai còn là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi, với diện tích đất nông nghiệp gần 1,4 triệu ha, nhiều đồng cỏ rộng lớn.
Các doanh nghiệp đã nhìn nhận đây chính là mảnh đất màu mỡ để đầu tư chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao và chuỗi khép kín, kết hợp trồng rừng…
Theo Sở KHĐT Gia Lai, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã có 82 dự án chăn nuôi đề nghị đầu tư, với tổng vốn khoảng 10.539 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án trị giá hàng chục triệu USD đầu tư mảng chăn nuôi lợn.
Mảnh đất màu mỡ chăn nuôi đại gia súc
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với dự án Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, do liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) góp vốn đầu tư.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm đầu chuỗi để liên kết sản xuất với kinh tế hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng.
Mục tiêu của dự án là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn kết hợp trồng rừng, chăm sóc rừng, tạo vùng đệm an toàn cho dự án. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 380 tỷ đồng, tương đương 16,5 triệu USD.
Theo đó, khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có diện tích gần 550.000m2, triển khai tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh.
Dự án có công suất thiết kế nhập khẩu, chăm sóc 2.500 con lợn cụ kị để nhân giống; kết hợp trồng và chăm sóc hơn 35,5ha cây keo lai. Sau khi ổn định hoạt động, dự án sẽ cung cấp lợn giống và lợn thịt thương phẩm; gỗ nguyên liệu keo lai cho thị trường.
Dự kiến, đầu năm 2022 dự án sẽ khởi công công trình và đi vào hoạt động trong I/2025.
Lý giải vì sao lại chọn Gia Lai làm nơi đầu tư chăn nuôi, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát nhiều nơi và khẳng định Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Với dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên".
Cũng nhờ Gia Lai có môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đầu năm 2021, hai "đại gia" Việt Nam là tỷ phú Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức đã triển khai 2 đại dự án, góp phần đưa tỉnh này định danh rõ ràng hơn trong bản đồ phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Theo đó, THAGRICO của tỷ phú Trần Bá Dương đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt tại xã IaPuch, huyện Chư Prông, quy mô 35.000 con, công suất nuôi 140.000 con/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1.993 tỷ đồng.
Còn Hoàng Anh Gia Lai Agrico đầu tư Dự án chăn nuôi lợn thịt kết hợp chăm sóc và phát triển cây cao su tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, quy mô 160.000 con, công suất nuôi 400.000 con/năm, tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng.
"Cú hích" lớn cho ngành chăn nuôi
Cùng với các dự án trị giá hàng chục triệu USD nói trên, còn có hàng chục dự án lớn khác đầu tư vào Gia Lai.
Trong đó phải kể đến dự án trang trại chăn nuôi lợn "khủng" của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.288 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 195ha tại huyện Đăk Đoa, dự kiến sẽ cung ứng thị trường khoảng 30.000 con lợn nái mỗi năm.
Công ty TNHH Một thành viên My Anh Gia Lai cũng đang đầu tư 3 trang trại chăn nuôi lợn tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án là 266 tỷ đồng, triển khai xây dựng trên diện tích hơn 72,5ha. Các dự án sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 con lợn nái và 48.000 con lợn thịt/năm.
Một "đại gia" chăn nuôi khác là Công ty TNHH Chăn nuôi Minh Thiện đang thực hiện cùng lúc 3 dự án tại Gia Lai, gồm: Dự án trang trại chăn nuôi lợn Minh Thiện 1 và 2 (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông), tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, quy mô 36.000 con lợn thịt/lứa với 2 lứa/năm; Dự án trang trại chăn nuôi lợn Minh Thiện 3 (xã Đông, huyện Kbang), tổng vốn đầu tư 121 tỷ đồng, quy mô 23.000 con lợn thịt/lứa với 2 lứa/năm.
Trước đó, vào tháng 3/2019, trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao Ia Pa của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã đi vào hoạt động. Dự án này có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 con lợn thịt.
Ông Lê Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KHĐT) cho biết: Riêng lĩnh vực chăn nuôi, từ đầu năm đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 82 dự án đề nghị đầu tư với tổng vốn khoảng 10.539 tỷ đồng.
Hiện có 22 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án; 4 dự án đang trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất và 56 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu.
Sau khi đi vào hoạt động, các dự án trên sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều người dân địa phương, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về chăn nuôi, có kinh nghiệm vận hành hệ thống theo công nghệ hiện đại.