Tăng hiệu quả của lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Giang
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Dương Thanh Tùng, năm 2022, Bắc Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 0,5 - 1%. Diện tích cây lương thực đạt 108.900 ha, sản lượng lương thực 616.740 tấn. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 135 - 140 triệu đồng.
Theo đó, năm 2022 Bắc Giang sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tỉnh cũng mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn; diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh; kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng đó, phát triển chăn nuôi lợn, gà theo hình thức trang trại tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ; tập trung khôi phục đàn lợn đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các địa phương khác. Bắc Giang cũng điều chỉnh cơ cấu, quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y.
Ngành nông nghiệp tỉnh và các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, nhất là lúa mùa, để tiến hành phòng trừ kịp thời; chủ động các phương án tưới, tiêu đối với các diện tích có nguy cơ ngập lụt để bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ Chiêm Xuân; triển khai sản xuất cây vụ Đông theo đúng khung thời vụ; trong đó, lưu ý thời vụ, cơ cấu cây trồng.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, phát hiện và khống chế dịch bệnh tại cơ sở, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nhằm hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi; chỉ đạo tổ chức tái đàn lợn tại các cơ sở, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học…
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) của tỉnh Bắc Giang ước thực hiện cả năm 2021 đạt 40.150 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2020.
Tổng diện tích gieo cấy lúa đạt trên 99.700 ha, năng suất ước đạt trên 58 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 580.600 tấn. Diện tích lúa chất lượng đạt trên 42.600 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hơn 51.100 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, cây vải có diện tích trên 28.300 ha, sản lượng đạt trên 215.800 tấn. Vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 15.200 ha, sản lượng đạt 150.000 tấn (tăng 36,4% so cùng kỳ); vải GlobalGAP, vải cấp mã xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU có diện tích đạt 519 ha, sản lượng đạt 4.400 tấn (tăng 220% so với cùng kỳ).
Năm 2021, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, UDCNC... trong trồng trọt đã được tỉnh Bắc Giang quan tâm và nhân rộng.
Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng quy mô 60 ha với gần 100 lao động trực tiếp cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất hoa tập trung tại xã Dĩnh Trì với quy mô 100 ha và tại xã Song Mai với quy mô 60 ha (đều ở thành phố Bắc Giang) cho thu nhập trên 450 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau cần ở xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa với diện tích 150 ha; vùng sản xuất rau tập trung tại Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 3, huyện Hiệp Hòa với diện tích khoảng 10 ha, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha...
Việt Hùng