Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch: Lo kích giá lợn hơi cứu người chăn nuôi
Tính đến hết tháng 9/2021 tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai còn ứ đọng khoảng 45.000 con lợn; 200.000 con gà công nghiệp; 80.000 vịt... Giá lợn hơi, giá gia cầm xuống thấp, con giống đẻ ra không có chỗ nuôi khiến người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc tái đàn còn dè dặt.
Tìm cách gỡ khó lưu thông cho người chăn nuôi
Tính đến nay, Đồng Nai có tổng đàn lợn khoảng gần 3 triệu con (tăng trên 1% so với cùng kỳ năm 2020); đàn gà khoảng trên 23,6 triệu con (giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm 2020), chăn nuôi trang trại chiếm trên 90%, với 418 trang trại...
Tổng sản lượng thịt các loại trong 9 tháng đầu năm của Đồng Nai đạt gần 44.900 tấn, đạt gần 80% so với mục tiêu kế hoạch năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai, do ảnh hưởng của đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc tiêu thụ cũng như các mặt hàng heo thịt, gia cầm giảm rất sâu.
Đến tháng 9/2021, trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn trên 45.000 con lợn, 200.000 gà công nghiệp, 80.000 vịt thịt...
Đa phần số lượng lợn, gà tồn tại ở các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi và chế biến sản phẩm. Riêng, các hộ chăn nuôi đã xuất bán hết để "cắt" lỗ.
Ông Nguyễn Như So cho rằng Bộ NNPTNT cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đặc thù, đủ mạnh cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong vấn đề xây dựng kho cấp đông, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi, mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường các giải pháp tiếp cận nguồn vốn không cần tài sản đảm bảo...
Theo nhận định của ông Sinh, với giá sản phẩm chăn nuôi hiện tại người chăn nuôi lợn đang chịu thua lỗ trên 9.000 đồng/kg; gà lông trắng khoảng trên 13.000 đồng/kg, gà lông màu khoảng 7.000 đồng/kg.
Để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi, ông Sinh cho biết thêm, bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh trên động vật, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ khâu lưu thông hàng hóa để đẩy mạnh sức tiêu thụ sản phẩm, cân đối cung - cầu, vừa đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào cho ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp người dân, doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi chăn nuôi đảm bảo đáp ứng nhu cầu tực phẩm cho người tiêu dùng trong các tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022.
"Trước mắt tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm qua đường dây nóng và kết nối tiêu thụ lợn, gà, vịt... trên các sàn thương mại điện tử" - ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, với cơ cấu đàn vật nuôi, bình quân mỗi tháng Đồng Nai cung ứng cho thị trường khoảng 33.500 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gia cầm và 102 triệu quả trứng...
Cùng với số lượng lớn gia súc, gia cầm còn tồn đọng, tỉnh sẽ đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho rằng Bộ NNPTNT cần phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành chính sách (giãn nợ vay, giãn thời gian thu hồi nợ vay, giảm lãi suất, ưu đãi các gói vay mới...) hỗ trợ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y bị thua lỗ do ảnh hưởng từ đại dịch, góp phần giúp người sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất nhanh, hiệu quả.
Doanh nghiệp chăn nuôi kiến nghị nhiều vấn đề nóng để cứu giá lợn hơi
Dabaco là một trong những doanh nghiệp lớn "đầu tàu" trong chăn nuôi ở Việt Nam. Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết, hiện nay trong chăn nuôi lợn, CP Việt Nam và Dabaco đang tồn nhiều lợn 33-34 tuần tuổi, phải bán nối tiếp 2 tháng mới tiêu thụ hết được.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, lãnh đạo Dabaco kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp các bộ ngành, các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, áp dụng đồng bộ các quy định trong lưu thông, vận chuyển để người dân, doanh nghiệp tiêu thụ hết sản phẩm tồn đọng và phục hồi sản xuất, chăn nuôi.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH De Heus cho hay: Trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, De Heus đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Masan trong việc liên kết sản xuất chế biến đạm động vật cung ứng cho người tiêu dùng, nhất là chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn sạch, khép kín.
Công ty cũng đang vận hành 3 trang trại lợn giống cụ kỵ, ông bà ở Sóc Trăng, Sơn La, Đăk Lăk sản xuất lợn giống chất lượng cao cung cấp cho người chăn nuôi từng bước giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Đại diện De Heus đề xuất Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng lao động trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, nhất là các đối tượng lái xe vận chuyện sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; người lao động làm việc trong các nhà máy, cửa hàng, điểm tiêu thụ sản phẩm...
Ông Nguyễn Như So cũng đề nghị Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan tính toán tổng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước để xây dựng kế hoạch nhập khẩu thịt phù hợp, tránh ảnh hưởng đến giá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước.