|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, giải quyết tốt khâu đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp, các ngành quan tâm.

Khi nông thôn thiếu... lao động

Chị Vũ Thị Thịnh, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cho biết, những năm trước đây, đến mùa thu hoạch cà phê hay hồ tiêu, nguồn lao động địa phương rất dồi dào.

Thế nhưng, mấy năm nay, nhất là những năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến mùa thu hoạch nông sản nhiều gia đình khó khăn trong việc tìm lao động địa phương, nên phải thuê từ nơi khác.

Chị Thịnh chia sẻ: “Nông dân địa phương phải thuê người từ các tỉnh khác đến thu hoạch cà phê, hồ tiêu, họ ít kinh nghiệm, không có kỹ thuật, nên không bảo đảm chất lượng. Mặt khác, ít nhiều họ cũng gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở nông thôn”.

Mới đây, tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, HTX, một số nông dân đã bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu lao động ở nông thôn.

Nông dân xã Đắk N’Drung (Đắk Song) trồng mắc ca để phát triển kinh tế

Cụ thể, ông Nguyễn Thiện Trung, một nông dân ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) phản ánh, nhiều thanh niên không có việc làm, nhiều nông dân kinh tế khó khăn phải đi làm ăn các tỉnh khác.

Điều này làm ảnh hưởng đến công tác phát triển hội viên nông dân. Nhiều khu vực nông thôn vì thế thiếu lao động. Do đó, cần có giải pháp giải quyết vấn đề này.

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở LĐTB-XH thông tin, hàng năm, tỉnh có khoảng 8.000 người đến độ tuổi lao động. Hàng năm, tỉnh cũng cần giải quyết việc làm cho 18.000 người.

Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh còn hạn chế, nên trong số 18.000 người chỉ giải quyết việc làm trong tỉnh được khoảng 50%. Khoảng 9.000 lao động của tỉnh phải đi làm việc ngoài tỉnh, trong đó chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Người dân xã Thuận An (Đắk Mil) tham gia phiên giao dịch việc làm tại địa phương

Chính vì thế, để giải quyết nguồn lực lao động này, Sở LĐTB-XH đã tham mưu UBND tỉnh 7 giải pháp.

Đầu tiên là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách về lao động - việc làm - học nghề. Hai là, ngành lao động đề nghị các ngành, UBND tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng liên kết vùng, miền; kêu gọi hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Thứ ba, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu. “Chỉ có công nghiệp chế biến sâu mới sử dụng lao động lâu dài và bền vững, tạo ra công ăn, việc làm cho bà con”, ông Tự nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tự, giải pháp thứ 4 là đẩy mạnh phân luồng đào tạo đối với học sinh THCS, THPT phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực để đào tạo gắn với việc làm. Từ việc làm này sẽ giúp giải quyết vấn đào tạo nghề, giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm ở nông thôn.

Các sản phẩm nông nghiệp được nông dân từng bước đầu tư chế biến, nâng cao thu nhập

Thứ năm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đây là một hướng quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn hiện nay.

Những năm qua, người dân của Đắk Nông đi xuất khẩu lao động có tỷ lệ thấp hơn so với Bình Phước, Đắk Lắk. Vì lao động của Đắk Nông chưa tiếp cận được ngôn ngữ các nước như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu...

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá lớn thì mới sử dụng lao động nông thôn lâu dài.

“Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 4.900 lao động vay vốn ngân hàng, với  tổng 230 tỷ đồng để tạo ra việc làm mới. Đây là điểm sáng mà các tỉnh khác chưa làm được”, ông Tự thông tin.

Nông dân có việc làm tại địa phương và thu nhập ổn định, bền vững là điều quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, an ninh nông thôn giữ vững.

Thanh Nga

53

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết