|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục

Sau khi xuất hiện tại Đạ Huoai, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò đã lây lan ra nhiều địa phương khác như Đạ Tẻh và Cát Tiên với những diễn biến phức tạp. Hiện tại, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống, khống chế dập dịch nhằm hạn chế mức thấp nhất các thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Lực lượng thú y huyện Cát Tiên tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn bò trên địa bàn
Lực lượng thú y huyện Cát Tiên tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn bò trên địa bàn
 
Dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò ở Lâm Đồng xuất hiện ban đầu với ổ dịch tại xã Đạ Tồn (Đạ Huoai) cuối tháng 7/2021. Vào thời điểm đó, ngành Nông nghiệp huyện Đạ Huoai phát hiện 6 con bò tại xã Đạ Tồn dương tính với vi rút Capripox gây bệnh VDNC trên đàn trâu, bò. Sau đó, dịch bệnh VDNC diễn biến hết sức phức tạp và lan rộng ra 7/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đạ Huoai.  
 
Sau khi xuất hiện tại Đạ Huoai, dịch bệnh VDNC đã lây lan ra nhiều địa phương trong tỉnh, với tổng số mắc bệnh là 1.794 con bò. Đến hiện tại, toàn tỉnh đã có 132 con bị chết phải tiêu hủy (109 bê, 23 bò), với tổng trọng lượng là 17.891 kg. Hiện nay, Cát Tiên là địa phương có số lượng đàn bò bị bệnh nhiều nhất trong toàn tỉnh với hơn 1.150 con. Số bò bị chết đã được tiêu hủy tại Cát Tiên là 94 con, với tổng lượng thiệt hại là 10.807 kg. Trong khi đó, tại Đạ Tẻh cũng đã ghi nhận hơn 150 con  và Đạ Huoai có 350 con bò mắc bệnh VDNC.
 
Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, các huyện Đạ Huoai, Cát Tiên và Đạ Tẻh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn có gia súc mắc bệnh tiến hành khoanh vùng triển khai các biện pháp phòng, chống, dập dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi về tác hại, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh VDNC; hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng, chống dịch bệnh trên đàn trâu, bò. Cùng với đó, các địa phương đã thiết lập đường dây thông tin 2 chiều về tình hình phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo thông tin kịp thời khi có dịch xảy ra.
 
Tại huyện Đạ Huoai, ông Phạm Quang Chiến - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cho biết: “Để phòng, chống dịch VDNC hiệu quả, địa phương đã tập trung phun xịt khử khuẩn trên diện rộng. Tính đến ngày 20/9, toàn huyện đã triển khai 4 đợt phun khử khuẩn đồng loạt ở các địa phương có gia súc mắc bệnh và những khu vực nguy cơ cao. Cùng với đó, địa phương đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc. Chính việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của người chăn nuôi như không giấu dịch, không bán tháo gia súc, không giết mổ… đã góp phần để địa phương từng bước khống chế dịch thành công”.
 
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh VDNC đang xảy ra trên địa bàn, ngày 18/9, UBND huyện Cát Tiên đã có văn bản “hỏa tốc” chỉ đạo ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh. 
 
Theo ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, hiện tại, tổng đàn trâu, bò của địa phương là hơn 10.200 con. Qua việc nắm bắt thông tin, đến nay, số gia súc mắc bệnh VDNC sau khi đã tiêm vắc xin là 905/1.152 con mắc bệnh. Điều đáng ngại là nhiều con bò đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng tiếp tục có các triệu chứng bệnh kế phát như chướng bụng, tiêu chảy rồi bị chết. Cùng với đó, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát.
 
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh VDNC đang xảy ra trên địa bàn, huyện Cát Tiên đang đặt ra mục tiêu khống chế, dập dịch trong tháng 10 tới đây, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho người chăn nuôi. Hiện tại, UBND huyện đang giao ngành nông nghiệp tặng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình diễn biến của dịch bệnh. Từ đó, cùng với việc điều trị bệnh VDNC, lực lượng thú y cần có những phác đồ chăm sóc, phòng, chống các bệnh kế phát; đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, điều trị trâu, bò mắc bệnh, tránh việc chủ quan, ỷ lại cho lực lượng thú y.
 
“Toàn huyện đang có 20 cán bộ, nhân viên thú y trực tiếp tham gia công tác điều trị cho đàn trâu bò bị bệnh VDNC tại 9/9 xã, thị trấn theo phác đồ của Trung tâm Nông nghiệp huyện và các hướng dẫn bổ sung của ngành nông nghiệp. Lực lượng thú y đang tích cực bám sát địa bàn cùng địa phương triển khai phân loại gia súc mắc bệnh để đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất; đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại; tiêu diệt ruồi, muỗi, ve truyền bệnh; bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc… Đặc biệt, tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh ra vào địa phương” - ông Trần Quang Trừng cho biết.
 
Hiện tại, số gia súc mắc bệnh VDNC trên địa bàn huyện Cát Tiên đang giảm dần trong những ngày qua (từ 18 con mắc bệnh phát sinh trong ngày 20/9 xuống còn 9 con mắc bệnh phát sinh trong ngày 22/9). Cùng với đó, số gia súc được điều trị khỏi bệnh đang tăng dần từng ngày.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết