|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Ninh: Mãng cầu lao đao vì dịch, thà bán lỗ còn hơn để rụng

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm tấn mãng cầu Tây Ninh bị cô lập trong thị trường nội tỉnh. Kể cả sản xuất, chế biến mãng cầu bằng công nghệ cao cũng không tránh khỏi lao đao vì dịch.

Thà bán lỗ còn hơn để rụng

Cuối năm 2020, HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (TP.Tây Ninh) đưa vào hoạt động nhà máy xử lý bảo quản trái mãng cầu và nhà máy chế biến, đóng hộp nước mãng cầu. Trước đó, HTX Thạnh Tân đang có gần 30ha mãng cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX còn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng vùng liên kết sản xuất hơn 90ha mãng cầu sạch để phục vụ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm... 

Nhưng hoạt động chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến. Thị trường trong nước lẫn xuất khẩu bí lối, hàng trăm tấn mãng cầu Tây Ninh bị cô lập trong thị trường nội tỉnh.

Ông Hà Chí Mãng - Giám đốc HTX mãng cầu Thạnh Tân cho hay, chưa bao giờ người trồng mãng cầu khó khăn như thời gian qua. Giá mãng cầu chỉ 12.000 - 13.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa giá thành. Nhiều vườn không bán được đành ngồi nhìn mãng cầu chín rụng khắp vườn.

Mãng cầu lao đao vì dịch - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Tân chăm sóc vườn mãng cầu theo chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Ngành nông nghiệp đang đề nghị các ngân hàng có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ để nông dân, doanh nghiệp sớm có điều kiện tái đầu tư".

Ông Nguyễn Đình Xuân -

Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh

Ông Mãng cho biết, dịch bệnh thời gian qua gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất. Người làm muốn đi vào vùng trồng phải test Covid-19. Trong khi chi phí test cao hơn tiền công lao động một ngày. Khâu tiêu thụ cũng không dễ dàng gì. 

Ông Mãng lấy ví dụ cung cấp hàng cho các siêu thị ngay trong tỉnh phải theo hợp đồng. Nhưng công tác phòng chống dịch "ba hồi nới lỏng, ba hồi siết chặt" khiến người sản xuất rất khó tính toán phương án lâu dài. HTX trồng theo tiêu chuẩn sạch, còn duy trì tiêu thụ lai rai, 20 tấn/tháng. 

"Những nông dân trồng mãng cầu không theo tiêu chuẩn nào thì lỗ trắng tay" - ông Mãng nói.

Công ty CP Natani là 1 trong những doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh. Từ đợt dịch bùng phát tới nay, Natani cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng. 

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc công ty kể, lợi dụng thị trường gặp khó và lợi dụng danh nghĩa hỗ trợ tiêu thụ, thương lái ép giá nông dân ngay tại vườn. Nhưng ra thị trường, thương lái lại bán giá cao. Biết lỗ nhưng nông dân đành phải bán còn hơn nhìn trái chín rụng. Công ty không thể chạy đua bán phá giá như thương lái. Ví dụ, công ty mua 8 đồng để bán lại 10 đồng thì thương lái chỉ mua 5 đồng, bán 8 đồng.

Khó tái sản xuất

Dù khó khăn nhưng ông Tân vẫn tin tưởng thị trường sẽ sớm phục hồi khi dịch bệnh ở Tây Ninh đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện tại là khâu tái sản xuất. Ông Tân đánh giá, việc doanh nghiệp vay được vốn hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng không hề dễ. Nông dân trực tiếp sản xuất càng thiếu vốn trong khi giá phân, thuốc tăng cao.

Trước dịch, Công ty Natani có diện tích liên kết sản xuất hơn 200ha. Nay công ty đã thu giảm diện tích xuống chỉ còn 50ha. "Trước mắt, công ty không mở rộng thêm hợp đồng liên kết mà chỉ duy trì đầu tư cùng những nông dân đang gắn bó lâu dài với doanh nghiệp" - ông Tân nói.

Ông Huỳnh Biển Chiêu nhìn nhận, thị trường tiêu thụ chính ở TP.HCM chưa trở lại bình thường. Chính quyền dù muốn hỗ trợ nhưng khả năng kết nối tiêu thụ không đáng kể.

Theo ông Chiêu, việc kêu gọi nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng không ăn thua. Vì không phải nông dân nào cũng thành thạo công nghệ bán hàng online. 

Vấn đề quan trọng nhất là thị trường không tiêu thụ được thì sàn điện tử làm sao thu mua cho nông dân. Bản thân ông Chiêu cũng đã thế chấp nhiều tài sản của gia đình ở ngân hàng để đầu tư cho 20ha mãng cầu VietGAP. 

"Trong vòng 3 tháng qua, vườn mãng cầu của tôi đã chín rụng gần 70 tấn trái, lỗ gần 3 tỷ đồng" - ông Chiêu nói. Biết là khó nhưng ông Chiêu vẫn dự định đi gặp ngân hàng để xin vay thêm vốn đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT thừa nhận, công tác vận động người dân tái sản xuất cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều người vay vốn từ ngân hàng đã không trả nợ kịp thời. Nếu ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu thì họ không được tiếp tục vay vốn và không thể tái sản xuất. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin