Thành phố Sơn La: Thắt chặt, quản lý học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện
Trên địa bàn thành phố Sơn La số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh điều khiển xe máy, xe điện, xe máy điện ngày càng có xu hướng gia tăng. Việc quản lý, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATGT cho học sinh nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng thành phố thực hiện quyết liệt.
Trước thực trạng báo động gia tăng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng xe điện, xe máy điện, thành phố Sơn La đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, tuyên truyền việc sử dụng xe mô tô, xe điện, xe máy điện đối với học sinh trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trường Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Sơn La cho biết: Phòng đề nghị các trường học tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền đối với việc học sinh sử dụng xe máy, xe điện, xe máy điện đến trường, nâng cao ý thức học sinh trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo ATGT cho học sinh, nếu xảy ra tai nạn giao thông sẽ xử lý nghiêm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, thực tế hiện nay học sinh điều khiển xe mô tô, xe điện, xe máy điện đến trường mặc dù đã giảm đáng kể so với trước đây nhưng tình trạng trên vẫn còn. Không chỉ thể hiện ý thức kém của một bộ phận học sinh trong việc chấp hành luật giao thông Đường bộ, đây cũng là hồi chuông đáng báo động về hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục An toàn giao thông trong nhà trường, sự thiếu quyết liệt trong việc ngăn cấm học sinh đi xe máy đến trường và sự thờ ơ của phụ huynh khi để các em tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện.
Xuất phát từ sự tiện lợi của các loại hình phương tiện này, nhiều gia đình, phụ huynh còn lơ là trong việc quản lý con em mình nên tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì thế ngay từ đầu năm học, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã tổ chức ký cam kết với 100% cha mẹ học sinh, tuyệt đối không giao xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện cho học sinh sử dụng khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe.
Cô giáo Kiều Thị Bích Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Qúy Đôn, thành phố Sơn La cho biết: Trường đã thành lập "Đội thanh niên xung kích" nhằm giám sát, ghi chép những học sinh vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng khi ra cổng trường để có biện pháp xử lý.
Tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau để các em học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, nhận thức được những mối nguy hiểm khi tham gia giao thông, dần hình thành thói quen, cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông...Từ đó, chính các em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực với gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Trong năm học 2020 - 2021, lực lượng Công an thành phố đã xử phạt gần 70 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, chủ yếu vi phạm các lỗi không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông.
Hàng năm Đội CSGT, Công an thành phố đều có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đảm bảo an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh tại các trường học trên địa bàn. Cùng với đó phối hợp với các nhà trường tập trung thực hiện tốt mô hình "Cổng trường an toàn giao thông"
Thiếu tá Bùi Việt Tùng, Đội CSGT TT Công an thành phố Sơn La cho biết : Đội đã tăng cường kiểm tra phát hiện các em học sinh đi xe máy, gắn máy, kịp thời nhắc nhở các trường hợp vi phạm. cùng với đó thông báo những trường hợp học sinh vi phạm gửi đến nhà trường, để nhà trường quản lý. Mới các em học sinh, phụ huynh để kiểm điểm trước các hành vi vi phạm. Chúng tôi phối hợp với các nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa, các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, qua đó năng cao ý thức tham ra giao thong cho các em.
Các bậc phụ huynh cần nhận thức được sự nguy hiểm của việc cho con em điều khiển xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cc tham gia giao thông khi chưa đủ các điều kiện pháp luật quy định. Đối với các nhà trường cũng cần tích cực, quyết liệt hơn trong việc kiểm soát tình trạng học sinh đi xe máy đến trường học, công tác tuyên truyền giáo dục đảm bảo an toàn giao thông tại trường học cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan, để các em có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông đường bộ, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.