Thu thập, đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm
Đề tài nhằm duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có nhằm tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ sinh học của đất nước.
Đề tài nhằm duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có nhằm tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ sinh học của đất nước.
Trong bối cảnh công nghệ sinh học ngày càng phát triển, sự đa dạng của nguồn gen đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thành công của các nghiên cứu và ứng dụng. Đa dạng gen chính là chìa khóa để mở ra những cánh cửa của công nghệ sinh học, và nó không chỉ là ưu tiên của các quốc gia mà còn của các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, việc sưu tập giống vi sinh vật đã được triển khai từ rất sớm, đem đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trong những năm qua. Tuy nhiên, do nhu cầu trong việc khai thác thế mạnh của nguồn gen bản địa ngày càng trở nên rõ nét. Đòi hỏi về sự đa dạng của nguồn gen và khả năng đánh giá sâu sắc tiềm năng di truyền của nguồn gen cũng trở nên rất cấp thiết.
Thu thập, đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm là nhu cầu cần thiết (Ảnh: vista)
Do vậy, để giữ gìn và phát triển nguồn gen vi sinh vật, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện đề tài "Thu thập, đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm”. Đây là đề tài cấp Bộ Công Thương do ThS Nguyễn Thanh Thuỷ làm chủ nhiệm. Đề tài được kỳ vọng sẽ duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có nhằm tại cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ sinh học của đất nước.
Sau một năm thực hiện, nhóm tác giả đã đánh giá tổng quan hoạt động bảo tồn gen vi sinh vật trong và ngoài nước. Đồng thời, đánh giá 85 chủng nấm men chịu mặn bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 11 chủng bằng giải trình tự rDNA.
Đề tài cũng tập trung đánh giá được các đặc điểm di truyền, đặc tính sinh lí, sinh hóa của 6 chủng loài mới Moniliella, 3 chủng loài mới Yamaha Zuma. Đánh giá khả năng sinh lipase và protease của chủng nấm men chịu mặn (14 chủng có hoạt tính lipase và 13 chủng có hoạt tính protease). Đánh giá 73 chủng nấm mốc phân lập từ bánh men bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 13 chủng bằng giải trình tự rDNA.
Các chủng giống được bảo quản trong ni tơ lỏng (Ảnh: imbt)
Một số nghiên cứu khác cũng đã được nhóm thực hiện bao gồm: Đánh giá khả năng sinh phát triển ở nhiệt độ khác nhau của 25 chủng nấm mốc bánh men; Đánh giá khả năng sinh enzyme amylase với cơ chất là tinh bột của 73 chủng mốc bánh men và khả năng thủy phân tinh bột của 25 chủng thuộc nhóm mốc khi có đường; Đánh giá khả năng lên men rượu từ các chủng nấm mốc và nấm men thuần (3 chủng nấm mốc, 2 chủng nấm men và giả men).
Đánh giá đặc điểm sinh lý sinh hóa của 20 chủng vi khuẩn. Đánh giá khả năng lên men các nguồn đường khác nhau và đánh giá khả năng sống sót trong dịch dạ dày nhân tạo của 20 chủng vi khuẩn. Đánh giá khả năng làm tan máu và kiểu hình lên men của 20 chủng vi khuẩn lactic. Đánh giá khả năng bám dính của 2 chủng vi khuẩn trên màng nhầy ruột invitro.
Ngoài ra, đề tài đã bổ sung cơ sở dữ liệu cho 60 chủng, bao gồm: 20 chủng vi khuẩn; 20 chủng nấm mốc từ bánh men; 20 chủng nấm men (6 chủng thuộc 2 loài mới Moniliella; 1 chủng loài mới Yamadazyma vietnamensis; 13 chủng chịu muối).
Thành công của đề tài nghiên cứu không chỉ cho thấy năng lực làm chủ công nghệ của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghiệp thực phẩm mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành công nghiệp sinh học tại Việt Nam. Đây cũng là một bước quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này, giúp nước ta định vị mình trên bản đồ công nghiệp quốc tế.
Bảo tồn gen Vi sinh vật Công nghiệp thực phẩm nằm trong mạng lưới Bảo tồn gen Quốc gia và là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực vi sinh và công nghệ sinh học. Trung tâm vi sinh vật công nghiệp (Viện Công nghiệp thực phẩm) hiện đang lưu giữ 1510 chủng vi sinh vật có ứng dụng trong sản xuất rượu, bia, sữa chua, bánh mỳ, thực phẩm chức năng, enzyme, và các chất có hoạt tính sinh học khác. Các chủng giống được bảo quản trong nitơ lỏng và bằng phương pháp đông khô. Hàng năm, Trung tâm chủ động tổ chức tìm kiếm, thu thập các chủng vi sinh vật có tiềm năng ứng dụng từ các sản phẩm lên men truyền thống và từ thiên nhiên Việt Nam. Các chủng giống được nghiên cứu đặc điểm sinh lý, hình thái, khả năng ứng dụng. Các kỹ thuật lai tạo, đột biến và chuyển gen cũng được sử dụng để nâng cao hoạt lực chủng giống. Bảo tồn gen cung cấp chủng giống cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp phục vụ nhu cầu nghiên cứu và sản xuất. |
Tố Uyên
Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link