Tiền Giang tái cơ cấu nông nghiệp ở địa bàn ven biển
Các huyện, thị ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo vốn thiên nhiên khắt nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng hạn – mặn và thiên tai, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thực trạng độc canh cây lúa mỗi năm ba vụ đối mặt nhiều rủi ro, thách thức. Những năm hạn – mặn gay gắt và kéo dài, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp tại đây rất lớn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh thiếu nước ngọt sản xuất vào mùa khô hàng năm, ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới địa bàn ven biển, Tiền Giang triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.
Trọng tâm bố trí mùa vụ hợp lý, tiến tới cắt hoàn toàn vụ Thu Đông, chỉ sản xuất 2 vụ/năm cùng với xây dựng cơ cấu sản xuất đa canh. Đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn định hướng chuyển sang trồng rau màu, trồng cỏ chăn nuôi, trồng cây ăn quả đặc sản...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân đổng thuận hưởng ứng chủ trương cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng. Đồng thời, chuyển giao rộng rãi khoa học công nghệ tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa thông qua xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến; nhân rộng những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phù hợp đặc thù miền đất nhiễm mặn.
Ngoài ra, phát triển các hợp tác xã kiểu mới liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm theo chuỗi giá trị, nông dân hưởng lợi, an tâm ổn định cuộc sống.
Thực hiện đề án, toàn vùng đã triển khai 6 dự án, mô hình trình diễn sản xuất tiết kiệm nước, xây dựng 12 mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả để nông dân tham quan, nghiên cứu, học tập và áp dụng.
Cùng đó, nhân rộng các mô hình sản xuất cây trồng an toàn, trổng trọt theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa và rau màu, nhân giống lúa chất lượng cao,… phối hợp các hợp tác xã chuyên canh rau màu trong vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các chuỗi sản xuất rau an toàn.
Theo đánh giá, các đề tài, dự án khoa học công nghệ, mô hình sản xuất trình diễn đều phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp nâng cao nhận thức nông dân về vai trò khoa học công nghệ trong đổi mới sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, khuyến khích bà con cơ cấu lại cây trồng và mùa vụ hiệu quả bền vững ngay trên miếng vườn, mảnh ruộng.
Từ khi triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tinh Tiền Giang đến năm 2025” đến nay, toàn vùng đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ trên tổng diện tích gần 33.000 ha, vượt gần 57% so kế hoạch đề ra.
Trong số đó, có trên 6.000 ha đất canh tác tại những địa bàn đặc biệt khó khăn thôi không trồng lúa độc canh nữa mà chuyển sang các cây trồng kinh tế khác như cây ăn quả đặc sản, màu, trồng cỏ chăn nuôi,… Đồng thời, bắt đầu từ năm 2021 trở đi, các huyện, thị trong vùng đề án thôi không sản xuất vụ lúa Thu Đông, chỉ gieo sạ hai vụ chính trong năm là Đông Xuân và Hè Thu.
Qua hai vụ sản xuất liên tiếp Đông Xuân và Hè Thu 2022, vượt qua thời tiết bất lợi, hạn – mặn phức tạp, các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang đạt sản lượng lúa trên 259.000 tấn, gần 500.000 tấn rau màu và trên 88.000 tấn trái cây các loại…. trở thành một trong những địa bàn sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu trọng điểm của tỉnh Tiền Giang.
So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy, mô hình độc canh cây lúa 3 vụ/năm cho lợi nhuận thấp nhất với tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 65,1% so chi phí đầu tư còn các mô hình luân canh đều cho lợi nhuận cao từ 82,4-185,1%, tùy theo mô hình nhờ giảm chi phí sản xuất trong khi năng suất, sản lượng giữ vững cùng những lợi ích lớn lao khác về xã hội, sinh kế nông dân, môi sinh, môi trường và tài nguyên đất, giảm nhẹ thiên tai, tiết kiệm nước bơm tưới…
Mặt khác, tỉnh cũng thành lập được 28 hợp tác xã nông nghiệp với 1.154 thành viên. Nhiều hợp tác xã làm ăn hiệu quả nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng GAP và liên kết chuỗi giá trị, giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa như: Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công),… đưa nơi đây trở thành một trong những vùng trọng điểm về sản xuất nông sản hàng hóa phía Đông Tiền Giang.
Đặc biệt, các mô hình chuyển đổi sản xuất trong khuôn khổ đề án trồng bắp lấy hạt, bắp rau, đậu nành rau trên chân ruộng lúa độc canh trước đây cho lợi nhuận dao động từ 43,9 triệu đồng/ ha đến 76,8 triệu đồng/ ha, cao hơn 2,1 đến 3,7 lần so với trồng lúa.
Từ nay đến năm 2025, Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi cây trồng thêm 3.290 ha; trong đó, chuyển sang trồng màu gần 1.100 ha, chuyển sang trổng cây ăn quả và cây lâu năm gần 1.700 ha, còn lại là các cây trồng khác.
Phát huy vai trò cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang tập trung chuyển giao kỹ thuật và công nghệ sản xuất theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và công nghệ sinh thái; tích cực ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thâm canh cây trồng, áp dụng tưới nước ngập khô xen kẽ, sử dụng máy cấy 3 trong 1…trên cây lúa nhằm tạo tiền đề cho những vụ mùa bội thu. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất rải vụ…trên cây ăn quả, rau màu.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, tỉnh quyết tâm đưa nền sản xuất nông nghiệp các huyện, thị ven biển phía Đông vốn bộn bề khó khăn, thách thức bởi thiên tai hạn – mặn hàng năm phát triển bền vững. Từ đó, tiến tới hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau màu hàng hóa, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản hướng đến xuất khẩu đóng góp tích cực vào việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới; thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Minh Trí