|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tơ tằm Hà Bảo: Mở hướng lụa Jacquard

Tơ tằm Hà Bảo, một thương hiệu của xứ lụa B’Lao đang trong bước chuyển mình. Vượt khó giữa đại dịch, Hà Bảo ngoài giữ vững nhịp sản xuất truyền thống còn vươn mình tiếp nhận một thách thức mới: Lụa Jacquard. 

Sản xuất tại Công ty tơ lụa Hà Bảo.

Sản xuất tại Công ty tơ lụa Hà Bảo.

 

Chị Hà Thị Hoa, người phụ nữ đã gắn bó cả đời với con tằm, với xe tơ - dệt lụa chia sẻ rất chân thành về doanh nghiệp của mình trong những ngày dịch: “Khó khăn lắm chứ, cả nước, cả thế giới đều gặp khó mà. Nhưng may mắn Hà Bảo đã vượt qua đại dịch và vẫn đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động”. May mắn bởi khi thị trường đình trệ, hàng không xuất khẩu được thì Hà Bảo chuyển sang công đoạn xe tơ, trữ hàng. Tới khi thị trường thế giới hồi phục, đơn hàng quay lại, Hà Bảo có đủ nguyên vật liệu cũng như nhân lực để tích cực sản xuất. Đơn hàng của công ty chưa hề ngừng suốt mùa dịch, tiếng máy chạy được duy trì ngay cả lúc dịch căng thẳng nhất. Chị Hoa tâm sự, doanh nghiệp luôn xác định người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp. Bởi vậy, dù khó khăn, Hà Bảo vẫn duy trì sản xuất, duy trì thu nhập cho người lao động. Đồng thời, Hà Bảo cũng đang có kế hoạch xây cư xá tập thể cho công nhân, để công nhân có nơi ăn chốn ở an toàn, hợp vệ sinh để ổn định cuộc sống.

Là doanh nghiệp chuyên xe tơ- dệt lụa, chị Hà Thị Hoa cho biết sản phẩm chủ yếu của Hà Bảo phục vụ xuất khẩu, từ tơ xe, vải lụa mộc, vải chuội, các sản phẩm khăn, gối…, hầu hết đều xuất sang các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, trong đó Nhật Bản và Ấn Độ là hai thị trường lớn nhất. Ngoài sản phẩm của công ty sản xuất từ kén tằm Lâm Đồng, công ty còn gia công cho bạn hàng trong và ngoài nước. Chị Hoa chia sẻ, gia công đã giúp doanh nghiệp có thu nhập và đứng vững giữa đại dịch. Tuy gia công thu nhập không cao nhưng có việc làm cho công nhân, giúp máy chạy thường xuyên, không bị đình trệ sản xuất.

Đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, Quỹ Khuyến công quốc gia, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng đã hỗ trợ Công ty tơ lụa Hà Bảo mua thêm 4 máy dệt Jacquard cao cấp xuất xứ Hàn Quốc. Theo đó, Hà Bảo mua 4 máy với kinh phí 2 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ không hoàn lại 300 triệu đồng. Đây cũng là sự động viên, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhưng, khát vọng của người phụ nữ xứ lụa vẫn cháy về một sản phẩm lụa hoàn chỉnh. Chị Hoa bảo, nếu mình chỉ xuất tơ sống, lụa mộc, giá trị vẫn thấp hơn nhiều so với một sản phẩm lụa thời trang hoàn chỉnh. Tìm hiểu thị trường trong nước và quốc tế, Hà Bảo chuyển sang sản xuất một loại vải phổ biến trên thế giới nhưng với lụa Việt còn rất hiếm: lụa Jacquard. Có nguồn gốc châu Âu, lụa Jacquard là loại vải được dệt hoa văn trực tiếp trên chất liệu vải mà không sử dụng công nghệ in ấn lên vải. Chị Hoa chia sẻ: “Vải Jacquard được tạo hoa văn từ trực tiếp các sợi tơ đã được nhuộm màu. Đặc điểm nổi bật của vải là khá dày. Nhưng với tơ tằm, chính đặc điểm dày của vải mang lại hiệu quả tốt, vải đẹp và bền, mang những đặc tính khá đặc biệt”.

Trước tới nay, lụa tơ tằm Lâm Đồng vẫn chịu đánh giá thấp bởi mẫu mã đơn giản, chưa phong phú. Dệt Jacquard giúp lụa thành phẩm có màu sắc đa dạng, hoa văn tùy chọn. Các mẫu hoa văn sẽ do những nhà thiết kế tạo ra, sau đó qua các thẻ đục lỗ để máy dệt ra những tấm vải có màu sắc theo đúng ý người thiết kế. Chị Hoa cho biết, lụa tơ tằm Jacquard rất thích hợp để may áo, váy, đặc biệt áo dài truyền thống của phụ nữ Việt. Lụa Jacquard của Hà Bảo được thị trường nội địa đón nhận nồng nhiệt vì màu sắc đẹp, chất liệu tốt hơn các sản phẩm lụa tơ tằm thông thường vốn quá mỏng. Hiện Hà Bảo có 16 máy dệt Jacquard với giá đầu tư 16 tỷ đồng. 

Không chỉ dừng lại ở dệt ra tấm lụa, Hà Bảo còn hi vọng tạo ra một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh. Giữa năm 2021, Hà Bảo tiếp nhận một dự án nhà máy may với quy mô 200 công nhân làm việc. Hiện nhà máy đang sản xuất gia công sản phẩm cho nhiều hãng may mặc nhưng đây chính là tương lai của Hà Bảo, khi doanh nghiệp xác định sẽ sử dụng chính tơ lụa địa phương để tạo ra một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh. Theo lời chị Hà Thị Hoa, một sản phẩm thời trang thì thu nhập cho người sản xuất vải là thấp nhất, cao nhất chính là khâu thiết kế và hoàn thiện sản phẩm. Hà Bảo hi vọng thiết kế đồng thời hoàn thiện sản phẩm, mang lại giá trị cao nhất là sợi tơ Lâm Đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết