|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM phát huy thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới: Giống cây trồng góp công lớn

Nghiên cứu giống và ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất là thế mạnh của nông nghiệp TP.HCM. Lợi thế sản xuất, chuyển giao giống cây trồng càng có ý nghĩa lớn khi gắn liền chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất nhiều giống rau hoa mới

TP.HCM hiện có 26 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Năm 2022, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 248,2 tấn hạt giống cây trồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Theo Sở NNPTNT, TP.HCM đã sưu tập được 13 giống rau và đang tiến hành phục tráng giống bầu địa phương tại huyện Cần Giờ. 

Ngành nông nghiệp cũng tạo ra được nhiều giống dưa, cà chua F1 và các dòng dưa lưới, dưa leo, ớt chỉ thiên thuần có triển vọng.

Các đơn vị nuôi cấy mô thực vật cũng cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm (chủ yếu là các giống lan), để phục vụ mở rộng sản xuất hoa kiểng trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Trung tâm Công nghệ Sinh học sưu tập được 17 giống hoa có tính thích nghi cao và hoa đẹp, chống chịu tốt với bệnh hại trên địa bàn thành phố.

Giống cây trồng góp công lớn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Trung tâm Công nghệ sinh học giới thiệu công nghệ sản xuất giống tại Hội chợ triển lãm Giống và nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM năm 2022. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn gen quý giống rau, hoa, kiểng lá. Đó là cơ sở để nghiên cứu, chọn tạo những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng cao thu nhập phù hợp điều kiện nông thôn TP.HCM".

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM

Mới đây, Công ty TNHH Thương mại Việt Can (TP.HCM) đã xây dựng thành công mô hình vườn ươm sản xuất giống lan giả hạc với diện tích 2.000m2. Với quy mô trồng 30.524 cây lan giống 8 tháng tuổi, mô hình có tỉ lệ sống đạt hơn 90% khi trồng ở mật độ 72 chậu/m2.

Sở NNPTNT đánh giá, việc áp dụng quy trình nghiên cứu sẽ chủ động nguồn cung cây giống kịp thời cho các nhà vườn trong và ngoài thành phố, cũng như phổ biến rộng rãi các loài hoa quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

PGS - TS Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cho biết thêm, một số doanh nghiệp như Công ty Tân Lộc Phát đã nghiên cứu chọn tạo các giống mướp hương, dưa leo; Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cũng đã chọn tạo các giống khổ qua, ngô ngọt mới.

"Công tác nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giống cây trồng ở TP.HCM luôn được các đơn vị quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, được áp dụng trong thực tiễn" - TS Xô nói.

Nâng cao hiệu quả công tác giống cây trồng

Theo Sở NNPTNT, với lợi thế trong việc nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng; việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân áp dụng càng có ý nghĩa lớn khi gắn liền chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập. 

Tuy nhiên, công tác giống cây trồng ở TP.HCM vẫn gặp không ít hạn chế. Việc đầu tư cho sản xuất giống, nông nghiệp công nghệ cao chịu nhiều áp lực nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. Chất lượng và giá thành nhiều giống cây chưa thể cạnh tranh với các giống nhập ngoại.

Theo TS Dương Hoa Xô, vấn đề lớn nhất là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Các doanh nghiệp khó tiếp cận được diện tích đất lớn để nghiên cứu, sản xuất giống. Chương trình phát triển giống nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành phố gắn với ứng dụng công nghệ cao là một chủ trương đúng đắn.

Để chủ trương này trở thành hiện thực, TS Xô cho rằng, thành phố cần tập trung kinh phí một cách thỏa đáng cho công tác sưu tập, bảo tồn và sản xuất giống mới. 

Bên cạnh các chính sách khuyến khích doanh nghiệp làm giống, TP.HCM cần đầu tư một khu sản xuất giống cây trồng công nghệ cao, khoảng 100-200ha. Đây sẽ là nơi tiếp nhận các kết quả nghiên cứu giống của các đơn vị để triển khai sản xuất giống thương phẩm, duy trì giống bố mẹ, sản xuất giống lai Fl. "Đồng thời, khu sản xuất giống này sẽ thu hút được các doanh nghiệp sản xuất giống của thành phố quy tụ về" - TS Xô gợi ý.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030, Sở sẽ chủ trì, phối hợp các sở ngành và các địa phương liên quan tạo quỹ đất lớn, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp hình thành vùng sản xuất giống. Sở NNPTNT đang tham mưu UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho 2 dự án mới. Trong đó có dự án đầu tư mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao ngành trồng trọt quy mô 200ha tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi). 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin