|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trà cảnh lên ngôi, nông dân Văn Giang vừa chơi hoa đẹp vừa có thu nhập tiền tỷ

Kế thừa và phát huy được nghề truyền thống trồng, kinh doanh cây hoa trà của làng quê, nhiều hộ dân ở xã Phụng Công, Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã có cuộc sống sung túc.

Trà cảnh lên ngôi, nông dân Văn Giang thu nhập tiền tỷ

Anh Phạm Hoành Sơn - Trưởng nhóm liên kết sản xuất trà cảnh của xã Phụng Công cho biết, từ năm 2019 đến nay, cây hoa trà "lên ngôi", bán được giá cao, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có thu nhập từ 3-10 tỷ đồng tùy trồng nhiều hay ít.

Trà cảnh lên ngôi, dân Văn Giang có tiền tỷ  - Ảnh 1.

Vườn trà này chỉ có 120 cây khách hàng trả 600 triệu đồng, anh Phạm Hoành Sơn vẫn chưa gật đầu. Ảnh: H.T

"Một cây trà cảnh được coi là đẹp, phải có thân, cành to mập, khỏe khoắn và cân đối. Sắc hoa tươi đẹp mang màu đặc trưng của giống. Bộ lá dày xanh đậm. Hoa nở vào dịp tết Nguyên đán hoặc tết Dương lịch tùy theo mục đích người tiêu dùng".

Anh Phạm Hoành Sơn

Có thể kể đến nhà vườn Hơn - Tươi trồng 2 mẫu (7.200m2) trà cảnh, mỗi năm thu về 1,4 tỷ đồng; nhà vườn Điện - Hiệp trồng 5 mẫu trà, đầu năm nay bán tỉa 1/3 sản lượng đã được 1,5 tỷ đồng. Gia đình anh Sơn cũng trồng 2 mẫu hoa trà, không chăm sóc nhiều mà 3 năm gần đây cũng thu được ngót 4 tỷ đồng.

"Đối với trồng và kinh doanh cây hoa trà, càng có nhiều kinh nghiệm làm nghề và có được sức khỏe dẻo dai, sẽ càng có thu nhập tốt. Vì nhiều khâu kỹ thuật giâm trồng hay chăm sóc cây trà, phải chủ vườn làm mới được như mong đợi" - anh Sơn nói.

Theo anh Sơn, hiện tại diện tích cây hoa trà toàn xã ước trên 20ha, giá trị thu hoạch trung bình được gần 2 tỷ đồng/ha/năm. Do đất canh tác của địa phương không còn nhiều, nên phần lớn số diện tích trà này đều được các hộ thuê ruộng trồng ở ngoại tỉnh (Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nội), phần ruộng khoán 03 ở quê cơ bản chỉ để tập kết xuất bán các loại trà thành phẩm.

Trà cảnh lên ngôi, dân Văn Giang có tiền tỷ  - Ảnh 3.

Trà Cung đình hồng cũng nở hoa vào Tết Nguyên đán. Ảnh: H.T

Ông Lã Văn Bộ (xã Phụng Công) cũng cho hay: Cây trà giờ đây được ví như "cây vàng", vườn nhà ở đây cũng ví như "vườn vàng". Bởi trong làng, gia đình nào cũng có vườn lưu trữ cây mẹ cho khách tham quan, thưởng ngoạn, và ai muốn mua cây loại nào, được giá cũng sẽ bán. Nhưng cơ bản nhất vẫn là vườn nhà để trồng các loại trà đầu dòng phục vụ nhân giống cây con.

Theo đó, chỉ cần 5-10m2 sân gạch trước nhà, rải cát sạch làm nền, trên che lưới đen ngăn mưa, chống nắng, rồi ngắt các đầu ngọn trên cây trà mẹ, cắm giâm dày đặc lên cát, sau ra ngôi chưa đầy 1 năm đã có giá 50.000-70.000 đồng/cây, tổng thu nhập đạt khoảng 200-500 triệu đồng từ chừng 100m2 sân vườn (đã trừ 20% chi phí vật tư sản xuất đầu vào).

"Lợi nhuận trồng trà đạt cao, nên đa số các hộ trong nghề này đều xây được nhà ở khang trang bề thế và có xe sang đi, lại giao dịch bán hàng. Cuộc sống nhà nhà đều sung túc, no đủ" - ông Bộ ví von.

Ông Chử Văn Cao (thành viên nhóm liên kết trồng trà) kể: Cây hoa trà được trồng ở Phụng Công từ đầu thế kỷ XX, dưới triều đại phong kiến, chỉ những gia đình quan lại và nhà giàu mới có điều kiện trồng và chơi hoa trà. 

Phát huy thú chơi và trồng trà cảnh của những người đi trước, một số thanh niên trẻ của làng Đại (Phụng Công) còn sang tận Trung Quốc, Nhật Bản giao lưu, học hỏi, sưu tầm thêm nhiều giống trà cảnh đặc sắc về bổ sung cho vườn nhà. 

Nhờ đó, nghề trồng, kinh doanh cây hoa trà từng bước được hình thành và phát triển ra khắp xã, giúp cho rất nhiều hộ dân trên địa bàn đổi đời qua gieo trồng, thâm canh các loại trà cảnh.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Trà cảnh lên ngôi, dân Văn Giang có tiền tỷ  - Ảnh 4.

Để có chậu hoa trà nở đúng dịp Tết Nguyên đán, nên ưu tiên chọn mua các giống trà đỏ cung đình, trà phấn cung đình, trà thâm hồng bát diện và trà thiển hoặc trà lựu. Ảnh: Hải Tiến

Theo anh Phạm Hoành Sơn, trồng để cây trà sống và cho ra nụ không khó. Nhưng chăm để các nụ trên cây không bị rụng khi gặp thời tiết bất thuận như giá rét hoặc heo may tháng 8 thì không phải ai cũng làm được. Khâu kỹ thuật này đòi hỏi người chơi hoa trà phải học hỏi hoặc đã có ít, nhiều kinh nghiệm.

Về giống, để có chậu hoa trà nở đúng dịp Tết Nguyên đán, nên ưu tiên chọn mua các giống trà đỏ cung đình, trà phấn cung đình, trà thâm hồng bát diện và trà thiển hoặc trà lựu. Riêng Trà phấn hồng bát diện phải sau Tết Nguyên đán (tháng Giêng) mới nở hoa, trà bạch tuyết nở trùng khoảng Tết Dương lịch (tháng 11 âm lịch).

Về kỹ thuật, chậu trà sau mua về cần tưới nước giữ ẩm hàng ngày sao cho vừa đủ thâm đất mặt chậu, không được để khô trắng đất trong chậu trà, sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Bón phân định kỳ 15 ngày/lần/chậu, mỗi lần lấy 1 thìa cà phê NPK 15-15-15 rải đều lên mặt chậu kết hợp tưới ẩm đất.

Trong quá trình chơi, chăm sóc, cây trà sẽ to dần, tùy theo độ lớn của cây để chuyển trồng sang các chậu có kích thước tương ứng. Giá thể trồng gồm hỗn hợp đất lúa phơi ải, xỉ than, trấu trắng, mỗi loại chiếm 1/3 theo thể tích, đưa vào ủ kín tới hoai mục (3-4 tháng), mở ra đóng vào chậu và nhấc đặt cây trà trồng nhẹ nhàng vào chính giữa. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin