Trà Vinh chuyển hơn 650 ha đất mía sang trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập cao
Hàng nghìn hộ nông dân ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi 657 ha đất chuyên trồng mía đường sang trồng cỏ nuôi bò. Đây là mô hình chuyển đổi vừa dễ sản xuất vừa cho thu nhập ổn định với mức từ 170 – 200 triệu đồng/ha /năm.
Ông Thạch Saven, ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, có 0,2 ha đất trồng mía đã được chuyển sang trồng cỏ từ 3 năm nay. Ông Saven cho biết, sau nhiều mùa mía bị thua lỗ, gia đình ông quyết định mua 4 con bò cái để nuôi sinh sản và chuyển 0,2 ha đất mía sang trồng các loại cỏ voi, cỏ sả, cỏ lông tây.
"Với năng suất cỏ đạt bình quân khoảng 160 tấn/ha/năm, gia đình ông thu hoạch đủ để nuôi 4 con bò sinh sản. Năm 2020, đàn bò gia đình ông sinh sản được 4 con bê con. Sau khi nuôi được 6 tháng tuổi, ông bán đàn bê con được 72 triệu đồng. Nếu so với trồng mía trước đây, lợi nhuận cao gấp 5 lần", ông Thạch Saven cho biết thêm.
Ông Trần Văn Đồng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú thông tin, hiện địa phương đang phát triển nghề chăn nuôi bò, dê khá mạnh. Tổng đàn bò của toàn huyện tính đến tháng 6/2021 có hơn 39.260 con. Do nhu cầu thức ăn cỏ xanh cho bò, dê khá lớn nên nhiều hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại đang thu mua cỏ với giá từ 1.000 – 1.100 đồng/kg.
Vì vậy, nhiều hộ dân ở vùng mía nguyên liệu đã mạnh dạn chuyển hầu hết diện tích đất mía bị bạc màu, ngập úng, nhiễm phèn sang trồng cỏ để bán cho các hộ chăn nuôi bò và dê. Bình quân, nông dân trồng 1 ha cỏ bán với giá 1.000 đồng/kg, cho mức lợi nhuận từ 120 – 140 triệu đồng/năm.
Theo ông Trần Văn Đồng, qua 4 mùa vụ trồng mía liên tiếp nông dân chuyên nghề trồng mía đường ở địa phương bị thua lỗ vì giá mía giảm thấp. Toàn vùng nguyên liệu mía với hơn 5.000 ha bị giảm dần diện tích vì nông dân không tái vụ sản xuất. Huyện chỉ còn lại diện tích chưa đến 1.500 ha, chủ yếu là diện tích mía lưu gốc chứ không trồng hom giống mía mới.
UBND huyện Trà Cú khẳng định, sẽ không để nông dân bỏ hoang đất sản xuất, nên UBND huyện đã chỉ đạo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Đến nay, huyện có hơn 2.000 ha đất mía đã được chuyển sang trồng rau màu các loại, trồng dừa, trồng cỏ, nuôi tôm thẻ chân trắng, cá lóc, tôm càng xanh,... cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Phúc Sơn