Trà Vinh hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng hiệu quả trên cùng diện tích sản xuất, từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi gần 1.900 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Xã viên HTX nông nghiệp Dân Tiến, huyện Cầu Kè thu hoạch cá trê theo mô hình kết hợp nuôi thủy sản trong ruộng lúa từ tháng 4/2021. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) được thành lập năm 2012, hiện có 45 thành viên sản xuất lúa trên tổng diện tích 30ha. Tháng 4/2021, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè vận động hợp tác xã thực hiện thử nghiệm mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá trê và cá sặc rằn trên diện tích 1ha. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ 50% chi phí con giống và thức ăn cũng như hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi.
Ông Huỳnh Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến cho biết, để thực hiện mô hình, hợp tác xã đầu tư 25 triệu đồng đào ao nuôi xung quanh ruộng lúa 1ha, diện tích ao chiếm khoảng 0,3 ha và mua lưới bao xung quanh ruộng lúa, sau đó thả nuôi 20.000 con cá trê giống và 10.000 con cá sặc rằn.
Kết quả sau 5 tháng thả nuôi, hợp tác xã thu hoạch được 2,5 tấn cá trê và 0,5 tấn cá sặc rằn. Với giá bán 65.000 đồng/kg cá trê và 60.000 đồng/kg cá sặc rằn, trừ chi phí con giống, thức ăn và một phần chi phí đầu tư ban đầu, hợp tác xã thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/vụ.
Theo ông Huỳnh Văn Đức, vì sản xuất lúa kết hợp nuôi cá nên việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa rất hạn chế nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên dưới ruộng lúa giúp giảm khá nhiều chi phí thức ăn và một ngày chỉ cần cho cá ăn 1 lần vào buổi sáng.
Đây là mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, cho sản phẩm lúa, cá sạch, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Cá nuôi theo hình thức này cho thịt chắc, ngọt và ngon gần giống với cá đồng trong môi trường tự nhiên nên giá bán cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với cá cùng loại ngoài thị trường nuôi theo hình thức công nghiệp. Mô hình rất dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp và không mất nhiều thời gian chăm sóc.
Ông Đức tính toán, mô hình này mỗi năm có thể thu hoạch 3 vụ lúa và 2 vụ cá nên lợi nhuận từ lúa khoảng 40 triệu đồng/3vụ/ ha, từ cá hơn 110 triệu đồng/2 vụ. Như vậy, mô hình cho lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn ngoài mô hình chỉ sản xuất lúa truyền thống hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Từ hiệu quả này, hợp tác xã sẽ vận động thành viên nhân rộng mô hình trong những vụ sản xuất tới. Cá thương phẩm chất lượng nên ông Đức tin tưởng người tiêu dùng sẽ ưa chuộng và đón nhận, thị trường tiêu thụ ổn định.
Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn; trong đó, cây lúa bị thiệt hại nặng nhất. Mùa khô 2015 - 2016, hạn mặn khiến cây lúa trong tỉnh bị thiệt hại khoảng 910 tỷ đồng; mùa khô 2019 - 2020, cây lúa tiếp tục bị thiệt hại 919 tỷ đồng, chiếm gần 92% tổng thiệt hại do hạn, mặn trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, giảm diện tích trồng lúa nhằm tăng hiệu quả sản xuất là việc làm cần thiết.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi thích ứng biến đổi khí hậu theo từng vùng. Những vùng có độ mặn lớn hơn 2‰, ngành khuyến khích nông dân chuyển sang sản xuất luân canh 1 vụ lúa và nuôi thủy sản thích hợp. Đối với những vùng có độ mặn dưới 2‰ thì nông dân có thể nuôi xen canh thủy sản trong ruộng lúa. Mô hình này tuy cho năng suất không cao, nhưng bù lại nông sản hàng hóa đảm bảo chất lượng và mang lại hiệu quả cao hơn trên cùng một diện tích sản xuất.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi hơn 21.700 ha đất trồng lúa sang các cây trồng vật nuôi khác hoặc kết hợp nuôi thủy sản. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho hiệu quả tăng gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa trước đó.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh chuyển đổi hơn 8.000 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Để cây trồng, vật nuôi chuyển đổi đảm bảo đầu ra, có thị trường tiêu thụ bền vững, cùng với việc hướng dẫn nông dân khoa học kỹ thuật, tỉnh tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, vận động nông dân tham gia hợp tác xã để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dễ quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về tính tất yếu và tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi ngành hàng và vai trò nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và địa phương; triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; các chính sách về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn tín dụng, quỹ đất, đào tạo nguồn nhân lực…
Tỉnh cũng huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cây trồng gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm.
Ông Phạm Minh Truyền cho biết, hiện nay, giá trị sản xuất đất trồng trọt toàn tỉnh đạt 130 triệu đồng/năm và mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 145 triệu đồng/ha; xây dựng trên 100 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 160 triệu đồng/ha và xây dựng được 160 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản.
Thanh Hòa