Trà Vinh hỗ trợ nông dân xã đảo tăng giá trị lúa hữu cơ
Vụ lúa Thu Đông 2021, diện tích lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế ở 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh tiếp tục bị thu hẹp. Nông dân 2 địa phương này chỉ xuống giống 65 ha; giảm 40 ha so với vụ trước và giảm khoảng 160 ha so với vụ Thu Đông 2017.
Nông dân huyện Tiểu Cần cấy dặm lúa. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, nông dân ở 2 xã đảo này có tập quán sản xuất lúa luân canh trong ao nuôi thủy sản. Vì vậy, việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật rất hạn chế, nhằm bảo về nguồn lợi chính từ nuôi trồng thủy sản.
Trước lợi thế này, vụ Thu Đông 2015, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ nông dân 2 xã Long Hòa và Hòa Minh thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học. Đến năm 2016, lúa hữu cơ sinh học tại 2 xã đảo này đã được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế EU, USDA và JAS.
Nông dân tham gia mô hình được tập huấn và hướng dẫn toàn bộ quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Cây lúa trong mô hình tuy năng suất chỉ đạt từ 4,5-5 tấn/ha, giảm khoảng 1 tấn/ha so với ngoài mô hình nhưng bù lại, nông dân được ký kết hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cao hơn giá thị trường từ 25-70% nên vẫn đảm bảo đạt lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình.
Ngoài ra, nhờ canh tác hữu cơ không sử dụng hóa chất nên nông dân còn có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi thủy sản xen canh hoặc luân canh, khai thác nguồn thủy sản tự nhiên…
Mô hình không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn đảm bảo cho nông dân tránh được thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, giúp môi trường sinh thái được ổn định trên phạm vi rộng, sản phẩm lúa hàng hóa được an toàn và bền vững.
Đây là 1 trong 13 mô hình được ngành nông nghiệp đánh giá hiệu quả ở cả 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội, môi trường và khuyến khích các địa phương nhân rộng. Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã đề ra chương trình phát triển vùng lúa hữu cơ của 2 xã Long Hòa và Hòa Minh lên 1.000 ha.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng lúa hữu cơ ở 2 xã này liên tục gặp khó về đầu ra, rất khó tìm doanh nghiệp bao tiêu “được giá” nên nông dân địa phương không còn “mặn mà” với cây lúa hữu cơ, chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hiện xã Hòa Minh chỉ còn trồng 4 ha lúa hữu cơ và xã Long Hòa 61 ha. Trong số này, chỉ có 38 ha được doanh nghiệp bao tiêu với giá 12.500 đồng/kg, diện tích còn lại được bao tiêu giá 9.000 đồng/kg.
Để duy trì và phát triển vùng lúa hữu cơ ở 2 địa phương này, huyện Châu Thành đã vận động nông dân trồng lúa hữu cơ ở 2 xã Long Hòa và Hòa Minh tham gia Hợp tác xã Tiến Thành để đảm bảo về tính pháp lý, thuận lợi trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, dễ tìm thị trường tiêu thụ lúa hàng hóa.
Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghiên cứu và Đầu tư S&D đang hoàn thiện các thủ tục hỗ trợ địa phương thực hiện Đề án” Xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ của huyện Châu Thành”.
Ông Trần Văn Út Tám, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ đã có danh tiếng gắn liền với địa danh là việc làm cần thiết. Qua đó, khẳng định đây là sản phẩm chủ lực của địa phương, có thế mạnh, được nhà nước bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ. Khi có thương hiệu, lúa hữu cơ 2 xã đảo này được nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, vươn xa gia nhập thị trường xuất khẩu.
Thanh Hòa