Trăn trở 'đầu ra' của hành, tỏi Kinh Môn
“Hiện 1kg tỏi Kinh Môn chỉ có giá 15 - 17 nghìn đồng/kg, trong khi 1 củ tỏi của Nhật có giá 60 - 70 nghìn đồng” - ông Trương Đức San, Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn (Hải Dương) trăn trở.
Được giá vì không được mùa
Chúng tôi đến xã Bạch Đằng - một trong những vùng trồng hành, tỏi lớn nhất của thị xã Kinh Môn. Đây là một trong 5 xã nông thôn mới (NTM) của thị xã Kinh Môn và nằm trong Top đầu xã NTM kiểu mẫu của tỉnh Hải Dương.
Không nổi tiếng như hành, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng Kinh Môn được biết đến là “thủ phủ” hành, tỏi với diện tích và sản lượng lớn nhất nước. Đặc biệt, hành, tỏi Kinh Môn củ rất chắc, mẩy, có mùi thơm cay đặc trưng.
Hai bên đường liên xã, liên thôn là các sào phơi hành, tỏi cao ngất. Dưới ruộng, bà con đang hối hả thu hoạch. Những củ hành, tỏi nhổ lên chắc mẩy, mùi hăng của hành, tỏi hòa quyện với mùi của đất khiến không khí ở đây rất khác lạ…
Vừa vắt những bó hành lên giá phơi, ông Nguyễn Văn Thành (thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng) cho biết, tùy từng ruộng, năm nay mỗi sào thu hoạch được 5 - 6 tạ. “Không bằng năm ngoái nhưng năm nay được giá” - ông Thành hào hứng.
Ông cho biết, trừ hết chi phí, mỗi sào hành năm nay thu được khoảng 10 triệu đồng. Trồng hành, tỏi chỉ mất 3,5 - 4 tháng, nhưng tính ra thu 1 sào hành bằng 1 mẫu lúa…
Hành sau khi thu hoạch được phơi tái, đợi thương nhân đến mua. Người nông dân ở đây sợ nhất trời mưa bởi với một khối lượng lớn hành, tỏi thu hoạch, mưa đến không “chạy” kịp và cũng không có kho chứa.
Với 4 khẩu, một năm 2 vụ lúa, 1 vụ hành, tỏi, ông Thành cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng. “Trước đây mỗi hộ chỉ có 1 - 2 sào hành, tỏi, đất bỏ trống nhiều, nhưng hiện nay nhà nào cũng vài mẫu. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực trồng hết diện tích, còn đầu ra phụ thuộc vào thương lái…” - ông Thành chia sẻ.
Trên cánh đồng tỏi vừa thu hoạch, ông Tiên Quang Thành (thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng) hào hứng cho biết, cây hành, cây tỏi là thế mạnh và thu nhập chính của người nông dân trong xã. Băn khoăn của ông Thành và cũng là của người nông dân trồng hành, tỏi nơi đây vẫn là câu chuyện “được mùa, mất giá”. “Rất mong Nhà nước, chính quyền các cấp đảm bảo đầu ra để nông dân không bị thương nhân ép giá. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ đầu tư lò sấy để cho ra những mẻ sấy lớn, đảm bảo năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch…” - ông Thành bày tỏ.
Hướng tới mô hình sản xuất lớn
Bạch Đằng là xã miền núi, nằm ở phía Bắc của thị xã Kinh Môn. Năm 2014, Bạch Đằng được công nhận là xã NTM, năm 2019 xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2022 vừa qua, xã được công nhận là xã NTM kiểu mẫu. Đây là xã đầu tiên của thị xã Kinh Môn đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và là xã nằm trong Top đầu NTM kiểu mẫu của tỉnh Hải Dương.
Ông Trần Văn Tặng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, theo Bộ tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu do UBND tỉnh Hải Dương ban hành, xã Bạch Đặng đạt xã NTM kiểu mẫu cả 4/4 tiêu chí. Trong đó tiêu chí đầu tiên là sản xuất - thu nhập - hộ nghèo.
Đến nay, xã đã đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo vùng lúa chất lượng, vùng trồng hành, tỏi, vùng rau màu; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp (khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật trên 60%)…
Năm 2022, thu nhập bình quân trên 75 triệu đồng/người/năm, cao hơn gấp 2.8 lần so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM (26 triệu đồng/người năm 2014). Đặc biệt toàn xã không có hộ nghèo, tỷ trọng lao động có việc làm thường xuyên đạt 96,7%…
Tự hào là xã có nhiều loại cây có thương hiệu như: Hành, tỏi Kim Môn; Cam Đường Canh; Thanh long ruột đỏ…, song theo Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Trần Văn Tặng, trăn trở lớn nhất vẫn là đầu ra ổn định cho sản phẩm…
Trong phòng làm việc của Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn (Hải Dương), ông Trương Đức San có trưng bày một củ tỏi khá to được ông mang từ Nhật về. Ông bảo giá của củ tỏi này quy ra tiền Việt khoảng 60 - 70 nghìn đồng, trong khi tỏi của Kinh Môn chất lượng rất tốt nhưng chỉ có giá 15 - 17 nghìn đồng/kg.
“Chúng tôi đã đặt vấn đề với doanh nghiệp Nhật Bản, họ đã mang giống tỏi của Nhật về Việt Nam trồng, hiện đã trồng ở Kinh Môn và họ đã lấy giống tỏi của Việt Nam trồng kiểm nghiệm bên Nhật. Hiện tỏi đã lên và đang trong quá trình chăm bón. Nếu tỏi Việt Nam trồng đạt tiêu chuẩn công nghệ của Nhật thì họ sẽ ký kết hợp đồng. Người dân Kinh Môn sẽ có sản phẩm có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản, có thể xuất khẩu sang Nhật, nâng cao giá trị cây trồng… Đây là bước khởi đầu, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này” - ông San Kỳ vọng.
Đến nay, trong số các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận thì có nhiều sản phẩm 3 sao, 4 sao đều từ thế mạnh cây hành, cây tỏi của Kinh Môn như: Tỏi đen Vietkiga, rượu tỏi (4 sao), tỏi mật, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga, hành khô Kinh Môn, tỏi khô Kinh Môn (3 sao).
Hơn 116 nghìn tấn hành, tỏi trông chờ tư thương
Trao đổi với PLVN, bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, trong vài năm gần đây, trung bình tổng diện tích hành, tỏi cả năm của tỉnh đạt trên 6.600ha (hành củ khoảng 5.800ha, hành lá 350ha, tỏi củ 470ha).
Vụ đông 2022-2023, diện tích hành củ, tỏi khoảng 6.252ha (hành 5.785ha; tỏi 467ha) được trồng tập trung chủ yếu ở Kinh Môn (3.811ha), Nam Sách (2.164ha), TP Hải Dương (246ha), Kim Thành (208ha). Riêng tỏi được trồng chủ yếu ở Kinh Môn (232ha).
Tổng sản lượng hành, tỏi toàn tỉnh ước đạt 116.400 tấn (hành 110.000 tấn, tỏi 6.400 tấn). Giá hành đầu vụ (từ cuối tháng 12 đến hết tháng 1) có giá cao ổn định ở mức 25 - 27 nghìn đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm trước 5 - 7nghìn đồng/kg); từ đầu tháng 2 đến nay giá bán dao động 15 - 18 nghìn đồng/kg.
Tổng thu nhập bình quân từ trồng hành dao động từ 10 - 15 triệu đồng/sào (275 - 415 triệu đồng/ha). Có thời điểm (từ 15 - 20/1) 01 sào hành cho thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng. Lãi thuần từ trồng hành ước đạt 6 - 10 triệu đồng/sào (tương ứng 170 - 270 triệu đồng/ha).
Đại diện Sở NN&PTNT Tỉnh Hải Dương cũng cho biết, việc tiêu thụ hành, tỏi vẫn chủ yếu do nông dân bán cho thương lái chứ chưa có chương trình hỗ trợ, liên kết của tỉnh.
Báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2022, Hải Dương chỉ tiếp tục duy trì thực hiện hỗ trợ các Kế hoạch liên kết đã được phê duyệt năm 2020 - 2021 với các sản phẩm cà rốt, bắp cải, khoai tây, ổi, dưa lưới, bắp cải, gà thịt.