Trăn trở với dự án Luật Hợp tác xã 2012 sửa đổi
Dự án Luật HTX 2012 sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến lần thứ 3. Theo đó, có rất nhiều đóng góp để hoàn thiện dự án Luật, trong đó Liên minh HTX Việt Nam đề xuất giữ nguyên tên gọi là Luật HTX thay vì đổi tên thành Luật Các Tổ chức Kinh tế hợp tác...
Cụ thể, Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ KH&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý về dự án Luật HTX (sửa đổi) 2012. Theo Ban soạn thảo, tên dự án Luật dự kiến sẽ được đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, việc đổi tên dự án Luật cũng đang có nhiều quan điểm trái chiều.
Nên giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã
Về nguyên tắc, nhiều chuyên gia cho rằng tên của một đạo luật luôn phải được đặt làm sao để bao quát được nếu không phải là toàn bộ thì phải ghi nhận được đa số các đối tượng chịu sự tác động của đạo luật đó.
Vì vậy, góp ý kiến với ban soạn thảo, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất giữ nguyên tên gọi Luật HTX. Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo thay cụm từ “Tổ chức kinh tế hợp tác bằng cụm từ “Tổ chức kinh tế tập thể”. Tổ chức kinh tế tập thể bao gồm: Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...
Theo quan điểm đề xuất sửa đổi Luật HTX, lấy HTX là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, liên hiệp HTX... được xác định là hình thức phái sinh của HTX. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi “Luật HTX” nhưng vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể là phù hợp.
“Việc thay đổi tên gọi của Luật sẽ ảnh hưởng tới tính thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu tới Luật HTX, gây khó khăn cho việc tra cứu, sử dụng, áp dụng pháp luật”, Liên minh HTX Việt Nam nêu quan điểm.
Bên cạnh đề xuất giữ nguyên tên gọi, Liên minh HTX Việt Nam đánh giá phạm vi điều chỉnh của Luật HTX năm 2012 quy định chưa thống nhất đối với các chủ thể thuộc khu vực kinh tế tập thể, HTX. Do đó, cần thiết bổ sung quy định tổ hợp tác và các tổ chức kinh tế tập thể khác. Tuy nhiên, đối với mô hình liên đoàn HTX, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, làm cơ sở để xây dựng pháp luật đối với liên đoàn HTX.
Về điều chỉnh tỷ lệ góp vốn theo hình thức cổ phần, cụ thể đối với HTX thành lập mới, vốn góp của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức do điều lệ HTX quy định theo hình thức vốn góp cổ phần. Đối với HTX đang hoạt động, Liên Minh HTX Việt Nam đưa ra hai phương án: Phương án 1: Bỏ quy định chi tiết về tỷ lệ vốn góp của HTX, liên hiệp HTX, thay vào đó, quy định cho đại hội thành viên HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức tỷ lệ vốn góp tối đa, tối thiểu và được ghi trong Điều lệ; Phương án 2: Nâng mức tỷ lệ góp vốn điều lệ tối đa của thành viên đối với HTX lên 30%, đối với liên hiệp HTX lên 40% và quy định tỷ lệ góp vốn tối thiểu của thành viên.
Sửa Điều 59, quy định về phân phối thu nhập, lợi nhuận, Liên minh HTX Việt Nam góp ý: Trích lập quỹ đầu tư phát triển, tỷ lệ trích lập không dưới 10% trên thu nhập từ giao dịch với thành viên, tỷ lệ trích lập không dưới 20% trên thu nhập từ giao dịch ngoài thành viên; hoặc Trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 3% trên thu nhập từ giao dịch với thành viên và không thấp hơn 5% trên thu nhập từ giao dịch ngoài thành viên…
Một số băn khoăn khác
Liên quan tới nguyên tắc sử dụng tài sản không chia của HTX, Liên minh HTX kiến nghị chuyển giao tài sản không chia, cơ sở vật chất của tổ chức kinh tế tập thể đã giải thể cho tổ chức kinh tế tập thể khác sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế xét duyệt.
Ưu tiên đối với tổ chức kinh tế tập thể trong cùng địa bàn hoạt động; cùng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất nhận chuyển giao tài sản không chia của tổ chức kinh tế tập thể đã giải thế; các điều kiện chuyển giao do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, phê duyệt. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định về sử dụng tài sản không chia của tổ chức kinh tế tập thể trong các hoạt động đầu tư kinh doanh; góp vốn, thành lập doanh nghiệp hoặc gửi tiết kiệm trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng HTX.
Bình luận phương án xử lý tài sản chung không chia, PGS.TS. Dương Đăng Huệ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp Bộ Tư pháp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế tư pháp, cho rằng ông ủng hộ phương án tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân được phép bán trong quá trình hoạt động tài sản chung không chia. Điều này giúp cho việc sử dụng tài sản chung không chia được hiệu quả hơn, tránh lãng phí trong quá trình hoạt động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo tình hình thực tế của tổ chức kinh tế tập thể.
Mặt khác, tiền bán, thanh lý tài sản chung không chia được đưa vào quỹ chung không chia ngoài mục đích đầu tư, phát triển còn được dùng để dự phòng tài chính trong trường hợp tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân hoạt động thua lỗ.
Quay trở lại vấn đề góp vốn, ông Hoàng Vũ Quang, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, nêu quan điểm không nên giới hạn về tổng vốn góp của các thành viên hoặc 1 thành viên không quá 30%. Đồng thời, một số ưu đãi, hỗ trợ trong Luật cần gắn với điều kiện về mức độ phục vụ thành viên.
Về băn khoăn có nên phát triển Liên đoàn HTX và đưa vào phạm vi điều chỉnh tại Luật HTX 2012 sửa đổi, ông Nguyễn Trọng Khánh, Quản lý dự án, Liên đoàn HTX Raifeisen Cộng Hòa Liên Bang Đức dẫn kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới về phát triển Liên đoàn HTX như Đức, Philippines, Thái Lan, New Zealand...
Đơn cử tại Thái Lan, có 2 hình thức Hội đoàn HTX bao gồm Liên hiệp HTX và Liên minh HTX. Liên hiệp HTX là một HTX, bao gồm từ 5 HTX trở lên muốn cùng kinh doanh để hoàn thành các mục tiêu chung có thể thành lập HTX. Liên hiệp HTX chỉ được thành lập theo Nghị quyết đại hội của từng HTX về việc tham gia thành lập Liên hiệp HTX. Trong khi đó, liên minh HTX bao gồm các thành viên là các HTX với mục tiêu thúc đẩy hoạt động của tất cả các loại hình HTX trên toàn đất nước Thái Lan nhằm đạt được sự thịnh vượng mà không thu lợi nhuận hoặc thu nhập để chia sẻ cho nhau.
Hay, tại New Zealand không có quy định cụ thể về việc thành lập các liên đoàn, hiệp hội HTX. Tại quốc gia này cũng chỉ ghi nhận hai tổ chức hiệp hội của các HTX là CBNZ (Cooperative Business New Zealand) thành lập vào năm 1981 và CMNZ - Co.op Money New Zealand (Hiệp hội Các Quỹ tín dụng và HTX nhà ở).
Theo đó, ông Khánh cho rằng trước khi phát triển mô hình liên đoàn HTX, Luật HTX 2012 sửa đổi cần làm rõ mục tiêu hoạt động của các tổ chức trong hệ thống HTX, đó là các tổ chức đại diện cho quyền lợi của HTX không nhằm mục đích kinh doanh hay các tổ chức cung cấp các dịch vụ cho các HTX thành viên nhằm mục đích kinh doanh.