Trồng dưa lưới trong nhà màng: Hiệu quả cao nhưng khó mở rộng diện tích
Trồng dưa lưới trong nhà màng ở Hưng Yên vài năm gần đây mang lại nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với các cây ăn quả khác. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, cách làm thận trọng, chi phí đầu tư lớn nên nhiều nhà vườn còn ngần ngại, khó mở rộng diện tích.
Nhà màng trồng 2 loại dưa vàng Ethanol và dưa xanh TL3. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN
Năng suất cao
Năm 2018, Trung tâm Giống nông nghiệp, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên bắt đầu trồng khảo nghiệm dưa lưới trong nhà màng. Trong 3 năm qua, Trung tâm đã liên tục thay đổi giống và lựa chọn ra giống thích hợp nhất để đưa ra khuyến cáo cho bà con trồng dưa theo mô hình này.
Ông Phạm Huy Thái, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, trong 3 năm qua Trung tâm đã thử nghiệm 14 giống, kết quả cho thấy có 2 giống là dưa vàng Ethanol và dưa xanh TL3 có đặc điểm nổi trội, sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Kinh doanh Dịch vụ, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng, ưu điểm của dưa lưới được trồng trong nhà màng là hạn chế sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc, hoá chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, cây sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.
Ngoài ra, phương pháp trồng dưa trong nhà màng cho năng suất, giá trị cao hơn nhiều so với canh tác theo cách bình thường ngoài đồng ruộng. Bà Tuyết ước tính, trên diện tích 1.000m2 mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, giá bán dưa lưới tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg, trừ chi phí có thể cho thu nhập khoảng 60 -70 triệu đồng/vụ. Như vậy, mỗi năm có thể trồng 3 vụ nên 1ha nhà màng có thể cho thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Anh Bùi Văn Phương, ở thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ cho biết trồng dưa lưới tuy vốn đầu tư cao, kỹ thuật tương đối khó, nhưng biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả rất lớn.
Về đầu ra, dưa lưới hiện được người tiêu dùng ưa chuộng, được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Cần vốn lớn, kỹ thuật cao
Theo một số nhà vườn ở Hưng Yên, trồng dưa lưới trong nhà màng cần nguồn vốn lớn, ước tính chi phí cho 1.000m2 nhà màng khoảng từ 300-500 triệu đồng. Bên cạnh đó, để có vườn dưa lưới có thể bán được ra thị trường là cả quá trình chăm sóc rất cẩn thận, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao.
Trưởng phòng Kinh doanh Dịch vụ, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Tuyết cho biết, đã có nhiều nhà vườn đến tham quan và tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, đa phần đều bị “vấp” ở khâu kỹ thuật. Yêu cầu kỹ thuật tương đối cao, chi phí làm nhà màng tốn kém nên nhiều nhà vườn chưa dám đầu tư.
Tại Hưng Yên, dưa lưới trồng trong nhà màng được trồng chủ yếu ở huyện Phù Cừ. Tuy nhiên, tại địa phương này hiện chỉ có 2 nhà vườn trồng là gia đình ông Hoàng Văn Điệp ở xã Tiên Tiến và anh Bùi Văn Phương, ở xã Tống Trân.
Ông Hoàng Văn Điệp cho biết, trồng dưa lưới quan trọng nhất là khâu kỹ thuật, vụ dưa thành hay bại phụ thuộc nhiều ở khâu chăm sóc. Kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng cũng rất đa dạng, mỗi giống dưa có kỹ thuật riêng, không có mẫu chung và phụ thuộc vào kinh nghiệm của người trồng. Chính vì thế, không phải ai cũng dám đầu tư.
Ông Hoàng Văn Điệp phân tích, nếu trồng 1 giống dưa trên cùng 1 diện tích đất thì sang vụ thứ 3 môi trường sinh học này dễ sinh bệnh cho cây. Chính vì vậy, người trồng cần theo dõi diễn biến thời tiết, nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật chăm bón phù hợp. Kết thúc mùa vụ thu hoạch phải tiến hành vệ sinh nhà vườn.
“Trồng dưa lưới nhà màng không thể nói hay được. Bản thân vườn dưa của gia đình tôi có vụ đã mất trắng vì bệnh gây hại. Chính vì thế không thể mở rộng diện tích nếu không có kinh nghiệm”, ông Điệp nói.
Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Tuyết cũng khuyến cáo, trồng một giống dưa trên cùng một điều kiện trong thời gian dài sẽ phát sinh bệnh cho cây. Điều này khiến nhiều nhà vườn loay hoay và nếu không có kỹ thuật tốt thì sẽ thất bại. Chính vì vậy, các nhà vườn nên thận trọng, không nên mở rộng theo hướng tự phát, cần phải có lộ trình.
Ông Phạm Huy Thái, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, bên cạnh những khó khăn về kỹ thuật, dịch bệnh, đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng cũng gặp rủi ro lớn bởi yếu tố thời tiết. Chi phí cho nhà màng rất tốn kém nhưng cũng dễ bị hư hỏng mỗi khi mùa mưa, bão đến.
Đỗ Huyền