Trồng rau kết hợp nuôi gà an toàn sinh học
Trung tâm Khuyến nông Sơn La đã triển khai mô hình "Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học" tại vùng Nông thôn Tây Bắc - Chiềng Pha, Thuận Châu....
Đưa "cần câu cơm" về với Nông thôn Tây Bắc
Với mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp bà con nông dân trong vùng Nông thôn Tây Bắc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình "Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học" tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Sau hơn 3 tháng triển khai, bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Mô hình "Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học" được triển khai tại xã Chiềng Pha từ đầu tháng 8/2021. Đến thời điểm này, mô hình đã bước đầu mang lại tín hiệu tích cực cho người nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm rủi ro chăn nuôi.
Trao đổi với PV, ông Lò Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Để thực hiện mô hình "Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La hỗ trợ, xã đã lựa chọn 30 hộ dân bản Chộ Muông tham gia mô hình. Đây là những hộ đảm bảo các điều kiện về chuồng trại, lao động, có khả năng tiếp nhận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chưa nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cho cùng nội dung mô hình.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã hỗ trợ 3.000 con gà mía lai giống 1 ngày tuổi (mỗi hộ 100 con); các hóa chất sát trùng, vaccine phòng bệnh trên đàn gia cầm và thức ăn hỗn hợp.
Để mô hình đạt được hiệu quả và mục tiêu của Chương trình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Chiềng Pha phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc một số loại rau cải ăn lá và đậu đỗ an toàn; kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà an toàn sinh học cho 100% thành viên các hộ tham gia mô hình trên địa bàn xã Chiềng Pha, với trên 60 lượt người tham gia.
Nội dung tập huấn đi sâu vào các vấn đề như: Kỹ thuật trồng và chăm sóc một số loại rau cải ăn lá và đậu đỗ an toà; kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học (an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, dinh dưỡng thức ăn trong chăn nuôi gà, quy trình thú y phòng trị bệnh…)
Hiệu quả mô hình thiết thực với Nông thôn Tây Bắc
Chị Quàng Thị Tinh, bản Chộ Muông, bảo: Gia đình tôi được hỗ trợ 100 con gà mía lai. Sau một thời gian nuôi đàn gà phát triển rất tốt, lớn nhanh. So với việc gà truyền thống, chăn nuôi gà an toàn sinh học kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, mô hình hướng dẫn tận dụng triệt để chất thải chăn nuôi phục vụ tái sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, đem lại lợi nhuận cao hơn.
Phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, ông Cà Văn Hao, bản Chộ Muông nói: Bên cạnh hỗ trợ con giống, thức ăn, tôi và các hộ dân đều được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, như: Úm gà, cách sử dụng các loại thuốc, vaccine phòng bệnh cho gà và sử dụng đệm lót an toàn sinh học...
Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai mô hình, các hộ nắm chắc kỹ thuật, thực hành chăn nuôi tốt, đàn gà sinh trưởng, phát triển hiệu quả. Gà lớn nhanh, không phát sinh dịch bệnh, trọng lượng trung bình đạt 1,8 - 2kg/con, đủ điều kiện xuất chuồng.
Hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình đang chuẩn bị xuất bán lứa gà thịt ra thị trường. Tuy nhiên, người dân trên địa bàn xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu vẫn còn sở thích ăn thịt gà địa phương nên đầu ra cho gà mía lai đang gặp không ít khó khăn.
Ngoài việc hỗ trợ giống gà cho các hộ dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La còn hỗ trợ 90 kg hạt giống đậu cove leo cao sản TN38; 12 kg hạt giống rau cải ngọt cọng xanh HN-16, cải ngồng, cải mơ... cùng hàng tấn phân bón, thức ăn chăn nuôi và thuốc BVTV cho các hộ tham gia mô hình.
Việc thực hiện mô hình đã và đang góp phần giúp các hộ tham gia từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi chăn thả, bán chăn thả sang chăn nuôi sinh học, an toàn, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn...