Tủa Chùa: Nông dân làm giàu từ cây chè Shan tuyết
Nằm ở độ cao trung bình trên 1.400m so với mực nước biển, khí hậu 2 mùa rõ rệt, 4 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự sinh trưởng của chè Shan tuyết (hay còn gọi là chè cây cao).
Với 8.400 cây chè cổ thụ hiện có, huyện Tủa Chùa được đánh giá là nơi còn mật độ cây tập trung lớn so với các tỉnh trong cả nước. Trong đó, riêng 4 xã phía Bắc: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn đã có khoảng 7.200 cây. Ở đây hầu như nhà nào cũng có chè, nhà ít vài cây, nhà nhiều vài chục cây hay cả trăm cây.
Huyện Tủa Chùa có vị trí địa lý cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt làm cho hương vị chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa cũng trở lên đặc biệt hơn. Trà có màu vàng sóng sánh như mật, lúc đầu có vị chát đậm đà, lúc sau lại có vị ngọt đượm. Đặc biệt, cây chè càng già ở Tủa Chùa càng cho nhiều búp có vị đanh, hương trà đậm đà hơn. Vị trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa khác biệt, quyện trong hương trà có cả mùi thơm của cây cỏ núi rừng, có vị chát pha chút đắng nhè nhẹ ví như cuộc sống của đồng bào Mông trên vùng đất gian khó Tủa Chùa.
Giữa chốn thâm sơn cùng cốc, quanh năm bao phủ bởi mây mù và hơi lạnh núi đá ấy, ở bản Hấu Chua của xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) có gia đình lão nông người Mông - Hạng A Chứ mỗi năm thu gần 300 triệu đồng, bởi đang sở hữu hơn 500 gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Người dân ở bản Hấu Chua hay gọi ông Hạng A Chứ là "vua" những loài cây "bất tử".
Sở dĩ mọi người gọi chè Shan tuyết là loài cây "bất tử" vì chúng có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Ông cho biết: Thuở ông nội của mình sinh ra thì trên núi dưới thung ở Sín Chải đã bạt ngàn chè. Một số loài chim ăn hạt rủ nhau về Sín Chải làm tổ, sinh con bầy cháu đàn ở đây. Ông là đời thứ ba thừa kế cây chè và cùng thế hệ với ông A Chư, ở bản Hấu Chua có 39 người cũng được thừa kế cây chè như thế. Ông A Chư bảo: "Người Mông bản Hấu Chua quý cây chè lắm, dù nhiều khi cũng chả biết nên dùng nó vào việc gì cho có lợi nhất".
Ông Chư kể những câu chuyện gắn với kỷ niệm về ông nội và người cha quá cố của mình. Rằng cách đây lâu lắm rồi, dông bão kéo về bản Hấu Chua làm nhà cửa tan hoang, cây cối đổ sập như vừa xảy ra chiến trận. Sau trận dông bão ấy, cả bản chỉ còn mấy nóc nhà nguyên vẹn là nhờ có vườn chè chắn gió. Thế là sau khi thu dọn nhà cửa, chẳng ai bảo ai người ta ra vườn đốn những cành chè bị gãy, vun lại từng gốc bị gió quật, cây chè được chăm như chăm người bị thương.
Cứ như thế, chè lặng lẽ sống bên người qua những tháng ngày dông bão. Chè shan tuyết cổ thụ này có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi nó là chè tuyết.
Những "Cây Chè" của gia đình ông Chứ nhiều cây cao hơn chục mét, thân to trắng mốc, rêu bám đầy mình tạo hình uốn lượn xù xì, đầy những u, cục, sẹo lồi, lõm. Đặc biệt, có cây chè cổ thụ đường kính lên đến cả mét, tán rộng tỏa cả gian nhà…Khi hái chè, gia đình ông Hạng A Chứ phải bắc thang, làm giàn giáo, trèo lên cây mới với được tới những búp non.
Ông Hạng A Chứ cho hay: Việc thu hái chè Shan tuyết cổ thụ không đơn giản chút nào, không cẩn thận nguy hiểm đến tính mạng như chơi..."Giống chè cổ thụ này, mỗi một lần thu, mỗi cây cho khoảng 16 kg chè búp tươi. Sau khi sơ chế biến thu được 3kg chè khô/cây. Nếu được chăm sóc tốt, vườn chè Shan tuyết cổ thụ mỗi năm có thể thu hái từ 4 đến 5 lần búp tươi, sản lượng có thể lên tới 1 tấn chè khô/năm. Với giá 300 nghìn đồng/kg chè khô, mỗi năm sau khi trừ chi phí nhân công thu hái, nhà tôi cũng còn lời trên 200 triệu đồng".
Ông Chư cho biết thêm: Rừng chè Shan tuyết cổ thụ này sinh trưởng tự nhiên, không cần chăm bón vẫn phát triển xanh tốt. Chúng sống sót qua hàng trăm năm. Loài cây "bất tử" này có bộ rễ bám sâu vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng và những gì tinh túy nhất của đất trời, nhằm thích nghi, chống chọi lại mọi khắc nghiệt của thời tiết và các loại sâu bệnh, "Chè Shan tuyết cổ thụ được nhiều khách hàng đánh giá là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước".
Để giúp người trồng, chăm sóc chè Shan tuyết cổ thụ có thể trao đổi kinh nghiệm và các hình thức giúp những người dân có thu nhập cao hơn nữa, Năm 2018 Hội Nông dân xã đã tổ chức thành lập chi hội nghề nghiệp nông dân trồng chè bản Hấu Chua, tham gia chi hội có 13 thành viên, ông Chứ được bầu làm chi hội trưởng, cả chi hội có 674 cây chè trên 300 tuổi và tổng số cây chè trên trăm tuổi là tren 2000 cây, từ đây, các hội viên thường xuyên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau những lúc thu hoạch rộ, vì vậy năng xuất, chất lượng chè của các hộ đều tăng lên. Chi hội phấn đấu trong năm 2021 các thành viên trong chi hội sẽ trồng ương giống từ những cây chè cổ thụ và trông thêm 300 cây chè nữa.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa cho biết: Cây chè càng ngày càng mang lại lợi ích cho nông dân 4 xã Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn nói riêng cũng như cho bà con trên địa bàn huyện Tủa Chùa từ nhiều năm nay. Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên phối hợp với các phòng ban hướng dẫn kỹ thật, tuyên truyền vận động người dân chăm sóc bảo vệ, thu hái và trồng mới thêm chè cây cao để phát triển kinh tế, đưa cây chè thành cây nông nghiệp mũi nhọn và các sản phẩm chè Shan tuyết là sản phẩm đặc trưng của huyện Tủa Chùa.