Ứng dụng công nghệ dự báo thị trường nông sản
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu), phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản; hoàn thành xây dựng công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Theo đó, sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Big data) dự báo biến động về cung, cầu, giá cả vật tư, sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, kịp thời cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.
Dự báo thị trường đóng vai trò quan trọng trong thương mại nông sản, được ví như “kim chỉ nam” cho công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đối với các nhà hoạch định chính sách, dự báo hỗ trợ việc xây dựng các cơ chế, chính sách thích hợp phục vụ phát triển sản xuất. Đối với nông dân, doanh nghiệp, dự báo thị trường giúp họ đưa ra quyết định hợp lý về đầu tư tổ chức sản xuất, kinh doanh, lựa chọn thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, hoạt động này chưa được cập nhật nhanh, liên tục và hiệu quả. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang vận hành một nền nông nghiệp “mù mờ” về thông tin thị trường, chủ yếu bán thứ mình có chứ chưa bán thứ thị trường cần, khiến tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra và câu chuyện “giải cứu” nông sản cũng chưa có hồi kết.
Chính vì vậy, Đề án nhấn mạnh đến việc sử dụng công nghệ để thu thập thông tin, dữ liệu về sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (nhu cầu, giá cả, khối lượng, cơ cấu tiêu thụ, vật tư, nguyên liệu đầu vào…); ứng dụng công nghệ viễn thám để thống kê diện tích, sản lượng đối với ngành hàng trồng trọt, lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ số trong thực hiện điều tra, thu thập thông tin của các ngành hàng chăn nuôi, thủy sản… được kỳ vọng sẽ khơi thông một trong những “điểm nghẽn” lớn của ngành nông nghiệp là thông tin thị trường, từ đó hình thành một nền sản xuất theo nhu cầu và tín hiệu thị trường, thậm chí đáp ứng những xu hướng tiêu dùng nông sản, thực phẩm mới trên toàn cầu.
Để thực hiện thành công Đề án, ngoài hạ tầng công nghệ, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề hợp tác, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác phân tích, dự báo cũng như vận hành các công cụ tiện ích, phần mềm cài đặt trên nền tảng thiết bị số.
Theo đó, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng, công nghệ số cho đội ngũ nhân lực thuộc hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thị trường nông sản; tập huấn cho các cá nhân, tổ chức liên quan như nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để khai thác thông tin thành thạo từ hệ thống, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.