Viện Chăn nuôi: Chiếm khoảng 80% thị phần giống thủy cầm cả nước
Chỉ riêng giai đoạn 2020-2022, Viện Chăn nuôi đã ứng dụng, chuyển giao hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học tại các vùng sinh thái trên cả nước.
Các sản phẩm con giống do Viện sản xuất cung cấp cho thị trường bảo đảm chất lượng tốt, ổn định về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Ðối với thủy cầm, các cơ sở giống của Viện cung cấp giống vịt, ngan ông bà, bố mẹ và con thương phẩm chiếm 80% thị phần con giống thủy cầm của cả nước. Viện phát triển các sản phẩm gà lông mầu thả vườn mang gien bản địa có chất lượng thịt thơm ngon, hợp thị hiếu và văn hóa ăn uống của người Việt. Hiện các giống gà nội và gà lai lông mầu do Viện Chăn nuôi chọn lọc, lai tạo ước tính chiếm khoảng 30-35% thị phần; đồng thời nâng tỷ lệ nuôi sống các giống gà bản địa từ 50-60% lên 90-95%. Viện luôn duy trì ổn định và chủ động về con giống, quy trình chăn nuôi, chăm sóc cũng như tạo lợi thế về giá và đầu ra cho người chăn nuôi. Viện còn cung cấp các dòng gà mang thương hiệu của Viện như TP, LV, gà Ri, gà Mía, gà Ai Cập, HA, H’Mông… cho các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…Các sản phẩm khác như tinh trâu, bò đông lạnh; con giống dê, cừu, ong… cũng được Viện cung cấp đáp ứng nhu cầu các địa phương, vừa góp phần cải tạo nhanh tầm vóc cũng như năng suất, chất lượng đàn trâu, bò thịt, vừa đa dạng hóa các sản phẩm tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Viện tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có phụ phẩm cây thanh long và quả điều giả (quả điều bỏ phần hạt), thay thế hoàn toàn thức ăn thô xanh trong mùa khô cho bò thịt, cừu và dê ăn thức ăn quả điều ủ cho tăng khối lượng cao hơn từ 3-5% so với chăn thả bình thường. Mô hình bò sữa có thể thay thế từ 60 đến 70% thức ăn thô xanh bằng thức ăn quả điều ủ cho bò sữa trong mùa khô, sản lượng sữa và chất lượng sữa không thay đổi.
PV