Việt Nam chi gần nửa tỷ USD nhập khẩu thịt từ Ấn Độ
Việt Nam đã chi 1,49 tỷ USD để nhập khẩu 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trong đó thị trường nhập khẩu nhiều nhất là Ấn Độ, trị giá gần nửa tỷ USD.
Việt Nam nhập khẩu lượng thịt trị giá 483 triệu USD từ Ấn Độ, tăng 49,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 56 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, với 151,43 nghìn tấn, trị giá 482,98 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với năm 2021, chiếm 22,27% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam.
Cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam (% tính theo lượng).
Cơ cấu sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh giảm so với năm 2021; còn nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và thịt bò tăng so với năm 2021.
Hoạt động xuất khẩu dù đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh, nhưng so với nhập khẩu thì chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Cụ thể, năm qua nước ta xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 84,6 USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 3,6% về trị giá so với năm 2021.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Hồng Công, Thái Lan, Bỉ, Pháp, Lào… Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 40,72% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 7,68 nghìn tấn, trị giá 42,61 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với năm 2021.
Như vậy, nhập siêu ngành thịt trong năm qua trên 1,35 tỷ USD.
Trong khi nhập khẩu thịt lên tới hàng tỷ USD, ngành chăn nuôi trong nước cũng hết sức lao đao khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng giá đầu ra lại giảm.
Trong tháng 01/2023, giá lợn hơi và thịt lợn trong nước không có nhiều biến động. So với cuối năm 2022, giá giảm tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, trong khi tăng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam.
Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 51.000- 53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam, hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg, tăng từ 1.000- 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022.
Trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá lợn dự báo vẫn ở mức thấp.
Thế Hải
Nguồn: Báo Đầu Tư