Vĩnh Phúc: Giá cả bấp bênh, người chăn nuôi gia cầm thấp thỏm lo âu
Trong nhiều tháng qua, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, luôn trong tình trạng thấp thỏm khi giá bán nhiều sản phẩm gia cầm như thịt gà, vịt và các loại trứng giảm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên buộc phải giảm quy mô đàn, thậm chí phải tạm “treo chuồng”…
Từ đầu năm 2023, giá trứng và thịt gia cầm neo ở mức thấp khiến các hộ chăn nuôi trên địa bàn gặp không ít khó khăn. (Trong ảnh: Trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Chí Hiệp, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Đức Chung
Dù đã có thâm niên nuôi gà từ 15 năm nay nhưng theo anh Phạm Văn Đồng (thôn 9, Hoàng Hoa, Tam Dương), chưa năm nào việc chăn nuôi lại gặp khó như năm nay khi giá bán thấp, việc tiêu thụ cũng chậm.
Hiện, gia đình anh vẫn đang duy trì đàn gà thịt lông màu lai Hồ hơn 2.000 con. Mặc dù hiện tại 1 tuần gần đây, giá gà được các thương lái thu mua ở mức 48 nghìn đồng/kg, cao hơn hàng chục giá so với 2 tháng trước đây (36-37 nghìn đồng/kg), song vẫn thấp hơn nhiều giá thành sản xuất (khoảng 55 nghìn đồng/kg) khiến những hộ nuôi gà lâu năm như gia đình anh cũng cạn kiệt nguồn vốn.
Cùng cảnh như anh Đồng, hiện, giá trứng gà của hộ anh Bùi Văn Kiên, xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) cũng mới được thương lái thu mua nhích lên giá 2.200 đồng/quả khoảng 1 tuần nay sau thời gian dài chỉ ở mức 1.400 – 1.600 đồng/quả nhưng cũng chỉ là “lấy công làm lãi”, chưa thể bù lỗ cho thời gian trước bởi giá trứng lên xuống thất thường, lúc xuống thì xuống liền mấy giá và duy trì trong thời gian dài còn lên thì nhích từng chút một.
Anh Kiên chia sẻ, nuôi gà đẻ không dễ như nuôi gà thịt hay lợn thịt, bởi muốn giảm đàn phải mất thời gian dài, do đó, khi giá trứng xuống thấp, gia đình vẫn buộc phải duy trì đàn, cộng thêm các chi phí cám, thuốc men phòng bệnh, vốn vay ngân hàng…, khiến các hộ chăn nuôi như anh luôn rơi vào cảnh thấp thỏm, làm cũng dở, bỏ làm cũng khó.
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 12 triệu con gia cầm các loại. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt gia cầm tăng 4,21%; trứng gia cầm tăng 6,98%. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm gia cầm trong 3 năm gần đây thường xuyên xuống dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ, gặp nhiều khó khăn.
Trong gần 3 năm qua, ảnh hưởng dịch Covid-19, mặc dù có thời điểm giá bán các sản phẩm thịt, trứng gia cầm xuống thấp song việc tiêu thụ lại dễ dàng hơn những tháng đầu năm nay do người dân có thói quen tích trữ thực phẩm, hạn chế tiếp xúc.
Thời điểm hiện tại, giá các sản phẩm gia cầm xuống thấp không chỉ do khó khăn về việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức tiêu dùng hạn chế, nhu cầu thị trường giảm mà còn do giá nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, đầu vào sản xuất luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi gây nhiều khó khăn cho cả các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ cũng như các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Thêm nguyên nhân nữa là do tổng đàn gia cầm trên địa bàn cả nước có xu hướng tăng, việc nhập khẩu thịt gia cầm ồ ạt khiến nguồn cung vượt quá cầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, cả nước nhập khẩu 3,4 triệu con gia cầm giống ông bà, với tỷ lệ nhân giống cao nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con và sản phẩm; trong đó với sản phẩm gia cầm, sản lượng thịt hơi gia cầm trong giai đoạn 2018-2022 tăng bình quân hàng năm 17,63% và đối với gà tăng trên 18%.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) tại 7 tỉnh, thành phố làm chết và tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm.
Mặc dù chưa xảy ra ổ dịch CGC, tuy nhiên, với tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm quy mô chủ yếu kết hợp với thời tiết cực đoan, nắng nóng, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nên ngoài khó khăn do giá bán xuống thấp, bấp bênh, các hộ chăn nuôi gia cầm còn luôn nơm nớp nỗi lo xảy ra dịch bệnh; tốn thêm một khoản không nhỏ chi phí cho việc tiêm vắc xin, phun khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, các biện pháp chống nắng nóng cho vật nuôi…
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong những tháng cuối năm 2023, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng vẫn gặp khó khăn do giá cả một số sản phẩm như thịt gia cầm, thịt lợn bấp bênh, không ổn định, giá thức ăn chăn nuôi giữ ở mức cao, gây tâm lý e ngại trong việc đầu tư mở rộng quy mô đàn, nên dự kiến kết quả sản xuất chăn nuôi chỉ đạt mức tăng từ 2 – 3%.
Chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Do đó, để ổn định thị trường, giúp việc chăn nuôi có lãi và bền vững, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết sản xuất theo chuỗi, giúp sản phẩm được chế biến, đóng gói, có thương hiệu rõ ràng…, tạo thuận lợi khi đưa vào tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích; đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào các thương lái và tiến tới giảm dần sản lượng thịt gia cầm nhập khẩu…