Vụ nhập nhèm mã vùng trồng sầu riêng: Giám đốc doanh nghiệp nhận lỗi
Nhiều hộ dân “thủ phủ sầu riêng” Đắk Lắk yêu cầu làm rõ việc một doanh nghiệp sở hữu mã vùng trồng của họ mà họ không hề hay biết. Giám đốc doanh nghiệp vừa lên tiếng nhận lỗi chậm thông tin đến người dân việc triển khai liên kết khi được cấp mã vùng trồng.
UBND huyện Krông Pắc báo cáo chung chung
Liên quan đến phản ánh của Tiền Phong về việc mã vùng trồng sầu riêng của người dân thôn Tân Bắc (xã Ea Kênh, Đắk Lắk) bị Cty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (Cty Thiện Tâm) sở hữu, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk - cho biết vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo ông Côn, ngay khi báo chí phản ánh việc mã vùng trồng sầu riêng của nông dân nhưng thuộc sở hữu của doanh nghiệp, phía Sở đã chỉ đạo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) - Bộ NN&PTNT trực tiếp kiểm tra cùng UBND huyện Krông Pắc, chính quyền xã, thôn buôn, đại diện doanh nghiệp và những người liên quan trực tiếp đến mã vùng trồng.
"UBND huyện Krông Pắc đã phát hành văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, nội dung rất chung chung. Sở phải làm báo cáo chi tiết cụ thể hơn", ông Côn nói.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, kết quả kiểm tra ban đầu, báo chí phản ánh đúng sự thật. Tuy nhiên, bản chất không phải doanh nghiệp “đánh cắp” mã vùng trồng. Để kết luận vấn đề này, theo ông Côn cần phải có cơ quan chức năng điều tra.
"Cũng có việc doanh nghiệp không mua sản phẩm của dân, nhưng có mua hay không mua hoàn toàn, mua được bao nhiêu cần tìm hiểu kỹ", ông Côn cho hay.
Theo thông tin ông Côn nắm được, để có mã vùng trồng, đã có sự bàn bạc một phần nào đó giữa người dân và doanh nghiệp. Còn bàn bạc đến đâu thì những đơn vị liên quan sẽ nắm cụ thể. Do đó, về phía Sở đã chỉ đạo Chi Cục TT&BVTV rà soát lại quy trình cấp mã, có gì chưa phù hợp phải điều chỉnh; đồng thời phải có quy trình quản lý việc sử dụng mã vùng trồng để chặt chẽ hơn.
Trước đó, Tiền Phong liên hệ UBND huyện Krông Pắc về quy trình cấp mã vùng trồng cho Công ty Thiện Tâm và những yêu cầu làm rõ công ty này đã lấy bao nhiêu diện tích của người dân Tân Bắc để đi đăng ký như phản ánh của người dân… Tuy nhiên, PV chỉ nhận được câu trả lời chung chung, được hướng dẫn liên hệ với Chi cụcTT&BVTV Đắk Lắk để nắm bắt diện tích cấp, sản lượng đăng ký.
PV liên hệ Chi cục TT&BVTV Đắk Lắk song nhận được câu trả lời, nội dung trên đã được UBND huyện Krông Pắc báo cáo cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông. Lãnh đạo Chi cục nói không có thẩm quyền phát ngôn, đề nghị PV liên hệ Sở NN&PTNT.
Chủ doanh nghiệp nhận lỗi
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Cty Thiện Tâm - cầu thị, nhận lỗi với người dân thôn Tân Bắc chậm thông tin đến bà con việc triển khai liên kết khi được cấp mã vùng trồng.
Giám đốc Cty Thiện Tâm nói thêm, ngày 9/9 công bố mã vùng trồng, ngày 17/9 làm lễ xuất lô đầu tiên đi Trung Quốc chính ngạch. Trong khoảng thời gian ngắn, phía doanh nghiệp lo làm thủ tục giấy tờ. Công ty Thiện Tâm là đại diện cho các doanh nghiệp được xuất khẩu phát biểu tại buổi lễ cũng tốn thời gian chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng.
Ngoài ra, dù là điểm được xuất chính ngạch nhưng sầu riêng Đắk Lắk chỉ còn khoảng 25-30%. Đó là 2 lý do Công ty Thiện Tâm chưa có buổi làm việc trực tiếp với nông dân. Sắp tới, công ty sẽ có buổi làm việc trực tiếp với người dân, buổi làm việc do UBND huyện Krông Pắc chủ trì, để triển khai kế hoạch liên kết thu mua sản lượng cũng như định hướng làm sao gìn giữ được mã vùng trồng.
Ông Tâm cho hay, để có được mã vùng trồng là sự nỗ lực nhiều năm của lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương. "Bản thân tôi cũng làm nông nghiệp, chứ không phải làm doanh nghiệp không. Do đó, khi có Nghị định thư, tôi rất xúc động vì đây là bước ngoặt quan trọng đưa sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch", ông Tâm nói.
Như Tiền Phong đưa tin, Cục BVTV - Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục TT&BVTV Đắk Lắk kiểm tra việc mã vùng trồng sầu riêng của nhiều hộ dân thôn Tân Bắc (VN-ĐLOR 0072) lại thuộc sở hữu của Công ty Thiện Tâm.
Theo phản ánh, nhiều hộ dân trong thôn không hề biết diện tích trồng sầu riêng của mình đã được cấp mã vùng trồng. Đến khi người dân làm thủ tục để được cấp mã vùng trồng sầu riêng, mới biết diện tích của họ đã được cấp cho Công ty Thiện Tâm. Đáng nói, vụ vừa qua, Công ty Thiện Tâm không đặt vấn đề thu mua sầu riêng của người dân thôn Tân Bắc.
Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước (sau Tiền Giang). Huyện Krông Pắc là "thủ phủ sầu riêng" của tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước xuất khẩu lô sầu riêng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc vào giữa tháng 9/2022.