Xây dựng bộ sưu tập vi sinh vật biển có tiềm năng cho các hoạt chất sinh học
Các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng được bộ sưu tập vi sinh vật biển có tiềm năng sinh các hoạt chất sinh học bao gồm khả năng sinh enzyme chuyển hoá polysaccharide và các hợp chất kháng sinh với đầy đủ các thông tin cần thiết về nguồn phân lập, đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh hoá và định danh tên loài.
Các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng được bộ sưu tập vi sinh vật biển có tiềm năng sinh các hoạt chất sinh học bao gồm khả năng sinh enzyme chuyển hoá polysaccharide và các hợp chất kháng sinh với đầy đủ các thông tin cần thiết về nguồn phân lập, đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh hoá và định danh tên loài. Đây là một trong các kết quả nổi bật của dự án: “Điều tra, đánh giá ký sinh trùng gây hại và vi sinh vật trên các vùng biển Việt Nam nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển và sức khỏe cộng đồng” do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm chủ trì và sự tham gia của một số Viện chuyên ngành. Ngày 2/11/2021, nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đánh giá nghiệm thu.
Giao diện của trang web quản lý dữ liệu bộ sưu tập vi sinh vật biển
Bộ sưu tập này được coi là bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, có giá trị về ký sinh trùng, tuyến trùng và vi sinh vật ở các hệ sinh thái biển Việt Nam. Những dẫn liệu quan trọng này là cơ sở khoa học phục vụ các nghiên cứu, ứng dụng, học tập và trao đổi hợp tác quốc tế, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo Việt Nam.
Dự án nghiên cứu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Đóng góp nhiều taxon mới cho khoa học gồm 1 phân họ mới, 6 giống mới và 62 loài mới cho khoa học; 10 hợp chất có hoạt tính gây độc tế bào, 18 hợp chất có hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định, 3 hợp chất có hoạt tính kháng lao đối với vi khuẩn lao chủng Mycobacterium tuberculosis H37Rv; Xây dựng được cơ sở dữ liệu về hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định, gây độc tế bào và kháng lao của 201 chủng vi sinh vật biển; Đã phân lập và xác định cấu trúc hoá học của 4 hợp chất mới (S248-1, S248-11, S248-12 và S261-1) và 1 hợp chất lần đầu phân lập từ tự nhiên (M258-2) từ nguồn vi sinh vật biển Việt Nam; Bộ sưu tập vi sinh vật biển nuôi cấy: 200 chủng vi khuẩn thuần, 100 chủng vi nấm thuần (được mô tả và định tên khoa học, các chủng được bảo quản theo quy trình đã được nghiên cứu cho vi khuẩn hiếu khí, kỵ khí, vi nấm biển và lưu giữ ở Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang); Bộ sưu tập vi sinh vật biển sinh các hoạt chất sinh học (10 chủng vi khuẩn sinh kháng sinh; 10 chủng vi nấm sinh kháng sinh; 20 chủng vi khuẩn sinh enzyme bẻ ngắn mạch polysaccharide; 10 chủng vi nấm sinh enzyme bẻ ngắn mạch polysaccharide); Bộ sưu tập 101 chủng vi khuẩn đã được phân lập và định danh vào 92 loài (dưới loài) gồm 17 loài thuộc giống vi khuẩn Vibrio, 24 loài thuộc 9 giống vi khuẩn nitrate hóa, 26 loài thuộc 4 giống phản nitrate hóa và 25 loài thuộc 5 giống oxy hóa sulfur được lưu giữ tại Viện Tài nguyên Môi trường biển Hải Phòng; Bộ tiêu bản ký sinh trùng, tuyến trùng biển gồm các tiêu bản khô (tiêu bản nhuộm) và tiêu bản ngâm trong dung dịch, được lưu trữ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; Các chủng vi sinh vật được lưu giữ tại Viện Công nghệ sinh học; Bộ cơ sở dữ liệu về prokaryote và eukaryote biển Việt Nam không thông qua nuôi cấy được đăng tải trên Website của Trung tâm giữ giống vi sinh vật của Viện Công nghệ sinh học; Hơn 40 chất sạch đã phân lập và bộ phổ chứng minh cấu trúc các chất được lưu giữ tại Viện Hoá sinh biển...
Các kết quả của dự án nghiên cứu trên đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Cụ thể dự án đã công bố được 26 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI; 10 bài báo đăng tạp chí có mã ISSN; Ngoài ra còn có 03 Sách chuyên khảo. Việc xây dựng thành công bộ dữ liệu trên đã giúp các nhà khoa học có cái nhìn tổng thể và đánh giá được hiện trạng ký sinh trùng gây hại ở động thực vật biển và vi sinh vật từ đó làm cơ sở khoa học cho việc phát triển, khai thác bền vững hệ sinh thái biển; Ngoài ra, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về ký sinh trùng và vi sinh vật biển trong công tác cảnh báo các nguy cơ gây hại của chúng đối với sinh vật biển và cộng đồng dân cư ven biển.
Theo: NASATI