|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế: Yêu cầu cấp thiết

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, thì việc nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới là điều cấp thiết. Thực hiện điều này có rất nhiều khó khăn, bất cập; cần có sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống Thú y, doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chí của Việt Nam: Nhiều kết quả quan trọng

 

Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai đạt được một số kết quả rất quan trọng.

 

Đầu tiên chúng ta đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cả nước, chỉ có một vài ổ dịch nhỏ lẻ, còn tuyệt đại đa số (trên 99,9 %) trong tổng đàn trên 550 triệu con gia cầm là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh.

 

Các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ có tỷ lệ chăn nuôi đứng đầu cả nước đã hình thành các chuỗi, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh rất tốt. Cụ thể trên phạm vi cả nước chúng ta có trên 920 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

 

Đặc biệt, thời gian vừa qua chúng ta đã đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt trên 400 triệu USD.

 

Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín, xuất khẩu được sang gần 10 nước gồm Nhật Bản, Liên bang Nga, Hong Kong và các nước thuộc Liên minh châu Âu và hiện nay phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá và dự kiến trong thời gian tới chúng ta có thể xuất khẩu sang Hàn Quốc.

 

“Tuy nhiên, trong thời gian tới có nhiều nhiệm vụ cần phải đặc biệt lưu tâm, thứ nhất là chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là những vùng đã đạt chuẩn an toàn dịch bệnh.

 

Thứ hai, chúng ta đã đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam rồi, giờ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh của mình lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới OIE/WOAH.

 

Cuối cùng, các doanh nghiệp, các địa phương cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm gia cầm…”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

 

Nhiều khó khăn, bất cập khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

 

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, về thuận lợi, công tác xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp thực hiện của ban ngành các cấp và Ủy ban nhân dân các địa phương; sự đồng thuận tham gia thực hiện của các hộ, cơ sở chăn nuôi. Các cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh đảm bảo đủ khả năng cung cấp nhu cầu về con giống cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

 

Tuy nhiên, một số khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đó là: số lượng các hộ, cơ sở chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, nhận thức về an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi này còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, đe dọa vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được công nhận. Chính quyền địa phương tại một số vùng an toàn dịch bệnh đã được cơ quan thú y các cấp công nhận nhưng lại thiếu sự quan tâm triển khai thực hiện các điều kiện để được duy trì theo quy định. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Chính phủ chưa linh hoạt nên việc xử lý, ứng phó với dịch bệnh tại các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn chưa được thực hiện triệt để.

 

Ông cho rằng, Bộ NN&PTNT sớm ban hành các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi.

 

Còn theo Cục Thú y đánh giá toàn diện những khó khăn như xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đó là:

 

Tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung, cùng với tỷ lệ lưu hành vi rút CGC năm 2021 qua các đợt lấy mẫu giám sát tại chợ ở các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ cho thấy vẫn cao. Tổng số mẫu lấy được ở các chợ là 501 mẫu swab gộp; trong đó, số mẫu phát hiện với type A là 115 mẫu (chiếm 22,95%), số mẫu phát hiện với A/H5N1 là 04 mẫu (chiếm 0,80%), số mẫu phát hiện với A/H5N6 là 01 mẫu (chiếm 0,20%); tổng số mẫu giám sát tại các hộ/trại chăn nuôi là 2.677 mẫu swab gộp; trong đó số mẫu phát hiện với type A là 23 mẫu (chiếm 0,86%), không có mẫu dương tính với vi rút CGC A/H5N1 và A/H5N6.

 

Công tác tiêm phòng vắc xin cho chăn nuôi gia cầm nông hộ gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, không có chuồng nhốt. Lực lượng thú y cơ sở mỏng. Nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan và trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trại chăn nuôi còn nằm ngoài vùng quy hoạch, gần khu dân cư.

 

Quá trình phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa gắn với công nghiệp chế biến toàn diện, chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất khép kín đối với thịt gà, trứng gà bảo đảm ATDB và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu có yêu cầu khắt khe (ngoại trừ Công ty Koyu & Unitek và Công ty C.P, CPV Food)

 

Sản phẩm chăn nuôi thời kỳ hội nhập đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi phần lớn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế biến chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, yêu cầu của các nước nhập khẩu

 

Mặc dù chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã sản xuất ra khối lượng sản phẩm tương đối lớn so với các địa phương khác; nhưng thị trường tiêu thụ chỉ phục vụ trong nước là chủ yếu, thị trường xuất khẩu chưa được nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về giao thông, địa lý.

 

Chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc lấy mẫu giám sát đối với bệnh Niu-cát-xơn, đặc biệt là thời gian từ lúc sử dụng vắc xin với thời gian lấy mẫu, dẫn đến nhiều cơ sở chăn nuôi, nhiều xã, nhiều huyện xây dựng ATDB gặp khó khăn. Do kết quả giám sát phát hiện nhiều mẫu dương tính với vi rút Niu-cát-xơn mà đàn gia cầm vẫn đang phát triển bình thường. Vì vậy, không đủ điều kiện để được công nhận ATDB.

 

Đa số chỉ có các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đăng ký xây dựng cơ sở ATDB, các trại tư nhân chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở ATDB do giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở ATDB, sản phẩm tham gia vào chuỗi chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm bình thường nên người chăn nuôi chưa tích cực hưởng ứng tham gia đăng ký xây dựng cơ sở ATDB. Một số địa phương chưa bố trí hoặc bố trí không đủ kinh phí để thực hiện được kế hoạch thí điểm xây dựng vùng ATDB

 

Hiện nay, các tỉnh có các huyện đã được công nhận là vùng ATDB đối với CGC và Niu-cát-xơn đang gặp khó trong việc xây dựng kinh phí để duy trì vùng ATDB do tỉnh không có cơ sở để hỗ trợ tiêm phòng cho đối tượng nuôi nhỏ lẻ, vì Đề án 440 đã hết hiệu lực, trong khí đó Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh CGC, giai đoạn 2019 – 2025” có nội dung đối với các vùng nguy cơ thấp (trong đó có vùng ATDB) thì chủ gia cầm tự chi trả kinh phí tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin