Xây dựng thương hiệu giống gà nhiều cựa Tân Sơn (Phú Thọ)
Gà nhiều cựa, một trong những loại gà quý trong truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” từ thời đại Hùng Vương chỉ có ở khu vực miền núi huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trải qua nhiều thế kỷ, tưởng như giống gà này đã bị mai một thì nay đã phát triển mạnh ở khắp các bản làng của huyện miền núi Tân Sơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn cho biết, toàn huyện có khoảng 25.000 - 30.000 con gà nhiều cựa các loại; trong đó, có khoảng gần 20 hộ nuôi tập trung từ 300 con trở lên, còn lại hàng trăm hộ nuôi xen với gà thả vườn, tại các xã: Tân Phú, Xuân Đài, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài…
Thịt gà nhiều cựa chắc, ngọt, thơm, gà mái chỉ đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,6kg, gà trống trọng lượng cao nhất cũng chỉ tới 2-2,2kg, giá bán dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên đán giá gà nhiều cựa có thể dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg tùy loại gà… Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở Tân Sơn đã trở nên giàu có nhờ nuôi giống gà quý này.
Anh Nguyễn Văn Đức - một trong những trang trại nuôi gà quy mô lớn ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, cho biết: Năm 2018 anh đầu tư nuôi gà nhiều cựa theo mô hình trang trại với quy mô hơn 1 ha, chia thành 5 khu nuôi biệt lập. Từ chỗ chỉ nuôi thử nghiệm, đến nay anh Đức đã có 2.000 con gà nhiều cựa thuần chủng. Theo tính toán của anh Đức, mỗi năm doanh thu từ việc bán gà các loại thu về trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi hơn 200 triệu đồng.
Để bảo tồn, phát triển giống gà nhiều cựa này, UBND huyện Tân Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung hỗ trợ chính sách; xây dựng thương hiệu; liên kết, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ…
Ông Nguyễn Xuân Việt cho biết, huyện Tân Sơn tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí giống và thức ăn ban đầu; tăng số hộ tham gia nuôi gà nhiều cựa tập trung; nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại; thí điểm sơ chế, hình thành sản phẩm mới. Huyện tranh thủ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đề nghị hỗ trợ ngân sách tỉnh để nhân rộng mô hình trong cộng đồng gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trên gà, giúp nhân giống nhanh và giảm giá thành.
Huyện Tân Sơn phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Phú Thọ triển khai dự án cấp “nhãn hiệu chứng nhận” đối với sản phẩm gà nhiều cựa Tân Sơn. Trên cơ sở đó, UBND huyện Tân Sơn sẽ cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho các chủ thể đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn và làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tiêu thụ gà nhiều cựa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, việc triển khai dự án và những thành công bước đầu, có thể thấy đây là một tín hiệu đáng mừng vì thông qua dự án sẽ tiếp tục bảo tồn và nhân giống loài gà quý hiếm. Đồng thời mang đến những tín hiệu khả quan trong việc phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Năm 2022, huyện Đoàn Tân Sơn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện công bố cầu thủ bóng đá Hà Đức Chinh là đại sứ thương hiệu “Gà nhiều cựa Tân Sơn”.
Năm 2008, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi, bảo tồn gà nhiều cựa” ở các xóm thuộc xã Xuân Sơn. Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn”; trong đó, có giống gà nhiều cựa Phú Thọ.
Năm 2016, dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà nhiều cựa Tân Sơn” của huyện Tân Sơn được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Sau hai năm triển khai thực hiện, năm 2018, “Gà nhiều cựa Tân Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận.
Toàn Đức