Xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế
Ngày 9/11, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi, các sản phẩm nông, lâm nghiệp và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp huyện Yên Thế; công bố vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà đồi của huyện.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, huyện Yên Thế có diện tích tự nhiên trên 306 km2, có điều kiện thổ nhưỡng, đất đai và khí hậu khá phù hợp, có nhiều tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp. Do đó, địa phương xác định phát triển nông, lâm nghiệp là chính, theo hướng phát triển xanh, bền vững, đồng thời quan tâm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững…
Nhờ đó, nhiều năm qua huyện Yên Thế được biết đến với những sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như gà đồi Yên Thế, dê thương phẩm, chè xanh, nhãn chín muộn...
Huyện cũng đã có 23 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh; trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao; nhóm sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế chiếm số lượng lớn nhất với các sản phẩm giò gà, xúc xích gà, chả gà. Đặc biệt, năm 2022 sản phẩm OCOP về du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven được công nhận là sản phẩm đạt 3 sao, đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về lĩnh vực du lịch đạt sản phẩm OCOP.
Gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng cũng là một trong những thế mạnh của huyện. Huyện đang phối hợp triển khai đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”.
Ngoài các sản phẩm chủ yếu trên, huyện còn khá nhiều sản phẩm nông sản đã và đang hình thành, phát triển như, sản phẩm rau củ quả an toàn (vùng sản xuất dưa chuột tập trung trên 100 ha tại các xã Tiến Thắng, Canh Nậu, Tân Hiệp... với sản lượng hàng năm đạt trên 4.000 tấn); vùng sản xuất thanh long tại các xã Phồn Xương, An Thượng, Đồng Tâm... với diện tích trên 30 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 400 tấn; sản phẩm chế biến từ các cây dược liệu như cao Xạ đen, Đinh lăng, cà gai leo, mật nhân; mật ong hoa rừng; cây ăn quả có múi,...
Đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế là một sản phẩm đặc sản đặc trưng của địa phương, được quan tâm phát triển, xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”.
Hiện tổng đàn gà duy trì ổn định 3,5 - 4 triệu con; hàng năm cung cấp ra thị trường 10 - 12 triệu con; doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm (chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của huyện).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn chúc mừng huyện Yên Thế là địa phương đầu tiên trên địa bàn các tỉnh phía Bắc và miền Trung được Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh của vùng sản xuất các sản phẩm nông sản, có chất lượng cao, thúc đẩy mở rộng thị trường trong và ngoài nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị địa phương cần chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt lấy chất lượng, an toàn thực phẩm làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững, tạo thế mạnh, chỗ đứng vững chắc trên thị trường; phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng thị trường, giúp các sản phẩm nông sản được quảng bá rộng rãi, tiêu thụ thuận lợi, nhanh chóng; đẩy mạnh hoạt động du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ nông sản.
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã trao Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cho 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
UBND huyện Yên Thế ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình; ký kết hợp tác tiêu thụ giữa hợp tác xã sản xuất nông sản với một số doanh nghiệp; cắt băng xuất hành đoàn xe tiêu thụ gà đồi và dê của huyện.
Tại hội nghị các đại biểu đã đi tham quan và thưởng thức các sản phẩm nông, lâm sản chủ lực đặc trưng của huyện tại các gian trình diễn, gian trưng bày.
Danh Lam