|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc tiến tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn

Ngày 19/7, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021 với 10 điểm cầu kết nối đến các tỉnh, thành phố. 

Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) chủ trì. 

Xúc tiến, tiêu thụ na, sản phẩm OCOP, tỉnh Lạng Sơn, na Chi Lăng

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lạng Sơn có 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 15 sản phẩm 4 sao và 32 sản phẩm 3 sao. 

Năm nay, tỉnh Lạng Sơn có 3,5 nghìn ha sản xuất na tập trung tại hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng; trong đó có hơn 400 ha na được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổng giá trị thu được từ na ước đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 275 triệu/ha/năm. 

Để na có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong chăm sóc. Tỉnh cũng chú trọng mở rộng diện tích trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Thời điểm này, na bắt đầu cho thu hoạch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn. Hiện địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thu hái na, kết nối tiêu thụ bảo đảm thời vụ, chất lượng và giá trị. 

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về về các vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm na Chi Lăng thông quan, vận chuyển thuận lợi đến các tỉnh, TP trong cả nước; tăng cường đưa na tiêu thụ qua các trang thương mại điện tử; tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đánh giá cao cách làm của tỉnh Lạng Sơn trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na. Đồng thời đề nghị trong thời điểm dịch bệnh hiện nay và theo xu thế công nghệ 4.0, không chỉ sản phẩm na mà các nông sản khác của địa phương cũng cần áp dụng cách làm tương tự để nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đồng hành hỗ trợ cho na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP của tỉnh tiêu thụ thuận lợi. 

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa từng nhóm vấn đề các đại biểu quan tâm với phương châm tạo thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ na Chi Lăng; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống và thương mại điện tử để cung cấp sản phẩm bảo đảm phòng, chống dịch. 

Xúc tiến, tiêu thụ na, sản phẩm OCOP, tỉnh Lạng Sơn, na Chi Lăng

Các doanh nghiệp tại Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ na và sản phẩm OCOP với UBND tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, cùng với na Chi Lăng, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung như: Chuối, thạch đen, quýt, hồng... được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn đề xuất, kiến nghị tới các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ địa phương đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế. Địa phương mong muốn các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kết nối, giao thương giúp địa phương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP thuận lợi.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp tại Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh nông sản. Tỉnh Bắc Giang cũng cung cấp các số điện thoại, kết nối với doanh nghiệp, nhất là đơn vị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ na Chi Lăng.

Tin, ảnh: Hoàng Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết